Sau khi chào đời, trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ các vaccine được khuyến cáo. Ảnh: Mộc Thảo
ThS Nguyễn Diệu Thúy, chuyên viên y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: "Ngay từ phút chào đời, em bé đã phải "chiến đấu" với nhiều loại virus, vi khuẩn. Vì thế, trẻ rất dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, cơ thể nhạy cảm, non nớt.
Các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm trẻ rất dễ mắc phải trong giai đoạn này là lao, tiêu chảy cấp do virus Rota, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn… Đây là những bệnh lý vô cùng nghiêm trọng, khó điều trị, tốn kém thời gian và tiền bạc".
Theo báo cáo về tình hình Lao hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh lao ước tính giết chết 1,6 triệu người vào năm 2021, cao hơn con số 1,5 triệu người chết vào năm 2020 và 1,4 triệu trường hợp tử vong vào năm 2019. Bệnh lao, đặc biệt là thể lao màng não có thể để lại nhiều di chứng đáng sợ cho trẻ như não úng thủy, liệt tay, chân, giảm thính lực, điếc…
Đáng lo ngại, bệnh lao đang gia tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh, thống kê cho thấy khoảng 5% trong số 9,5 triệu người mắc lao mỗi năm đang kháng thuốc kháng sinh thông thường. Lao kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém, khả năng hồi phục của bệnh nhân không cao.
Trong khi đó, có đến 95% trẻ nhỏ nhiễm virus Rota ít nhất 1 lần trước 5 tuổi. Nhiễm rotavirus gây tử vong gần nửa triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới mỗi năm. Lý do khiến trẻ dễ tử vong khi bị tiêu chảy là mất nước, điện giải và suy dinh dưỡng. Đặc biệt, vaccine Rotavirus chỉ có cơ hội chủng ngừa duy nhất một lần trong đời, nếu bỏ qua mốc 8 tháng tuổi, bé sẽ mất cơ hội phòng căn bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh lao và tiêu chảy cấp do Rota, các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn máu… do phế cầu khuẩn vẫn đang là gánh nặng bệnh tật hàng đầu. Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì 4 căn bệnh liên quan do phế cầu khuẩn (viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết).
Mới đây, tại Hội thảo khoa học "Gánh nặng phế cầu & Các biện pháp phòng ngừa", BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ ước tính vào năm 2015, có khoảng 8,9 triệu ca mắc phế cầu khuẩn và có đến 257.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong khi mắc các bệnh do phế cầu.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn 1999 - 2003, tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi mắc viêm màng não do phế cầu là 0,037 % (tức 37/100.000 trẻ). Trong giai đoạn 2005 - 2006, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi mắc phế cầu là 4,7/100.000 trẻ em và tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi mắc phế cầu là khoảng 194/100.000 trẻ.
Theo kết quả thống kê của Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), trong giai đoạn 2000 - 2019, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 57% (từ 1,6 triệu người xuống còn 672.000 người) nhờ nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ bao phủ vaccine phế cầu cho trẻ em đang có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt 48%, thấp hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu - ho gà - uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B,...
Chương trình Tư vấn "Lao, Rotavirus, Phế cầu & các bệnh nguy hiểm ở trẻ sau khi chào đời" VNVC tổ chức ngày 8/9.
Mỗi năm, thế giới có đến 3 triệu người được cứu sống nhờ chủng ngừa. Theo đó, cứ 60 giây sẽ có thêm 5 sinh mạng trên toàn cầu được cứu sống nhờ vaccine. Rất nhiều bệnh từng trở thành đại dịch kinh hoàng trên thế giới hiện nay đã được xóa sổ nhờ tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ sơ sinh chào đời và phát triển khỏe mạnh cũng được nâng cao rõ rệt nhờ vaccine.
Không bao giờ là quá trễ để bảo vệ trẻ em bằng vaccine, đây biện pháp vừa hiệu quả vừa kinh tế. Ngay khi chào đời, trẻ được khuyến cáo nên tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là các vaccine quan trọng như vaccine như lao, viêm gan B, 5 trong 1, 6 trong 1, tiêu chảy cấp do Rotavirus, phế cầu khuẩn… Đây đều là những loại vaccine quan trọng, thiết yếu, bắt buộc phải tiêm cho trẻ theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
"Tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi, kể các mũi vaccine nhắc lại là rất quan trọng để vaccine phát huy công dụng bảo vệ tốt nhất, nâng cao kháng thể cho trẻ trong những năm đầu đời", ThS Nguyễn Diệu Thúy nhấn mạnh.
Tiêm chủng vaccine rất quan trọng và cần thiết với trẻ em, tiêm chủng là quyền lợi của trẻ, là trách nhiệm và món quà vô giá của phụ huynh dành cho con. Để các phụ huynh hiểu rõ hơn về vấn đề phòng bệnh cho trẻ trong năm đầu đời, 20h thứ Sáu, 8/9/2023 Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với BVĐK Tâm Anh và Báo điện tử VTV tổ chức Tư vấn trực tuyến: "Lao, Rotavirus, Phế cầu & các bệnh nguy hiểm ở trẻ sau khi chào đời" với sự tham gia của các chuyên gia:
1. ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC.
2. BS.CKI Tô Vũ Thiên Hương, Bác sĩ Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
3. ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc, Bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình được phát sóng trên: thanhnien.vn, vnvc.vn, tamanhhospital.vn, nutrihome.vn. Livestream trên ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, THVL - Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Nutrihome - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng, Báo Thanh Niên, Báo điện tử VnExpress.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!