Sau nhiều năm chuyển đến nơi ở mới, đời sống của nhiều người dân tái định cư thủy điện vẫn còn khó khăn, thậm chí nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo sau khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước kết thúc. Hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, còn chính quyền các cấp loay hoay với những giải pháp để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Cuốc từng nhát xuống nền đất sỏi đá, ông Điêu Văn Sấn, bản Na Nát, phường Na Lay, Thị xã Mường Lay cần mẫn với bao hy vọng về một vụ lúa mới đủ ăn. Cả gia đình 8 miệng ăn, trông chờ vào cả mảnh ruộng này. Ông Sấn trăn trở, việc cấy lúa thì cấy, chứ chẳng biết có được thu hoạch hay không với đất cằn toàn đá xít. “Các vụ trước không làm gì được cả, năm nay mới làm thử, tất nhiên là đói rồi, nhưng không biết thế nào, vẫn phải làm đất thôi”.
Phía bên ruộng nhà ông Sấn, một vài hộ dân khác cũng đang cố gắng cải tạo đất để gieo trồng. Nhà bà Lò Thị Hom thất vọng vì cấy lúa không cho thu hoạch, vụ vừa rồi bà phải trồng khoai nước để chăn nuôi.
Thiếu đất sản xuất đang là thực trạng chung của hơn 1.000 hộ dân tại Thị xã Mường Lay. Năm 2006, khi việc di dân tại Mường Lay bắt đầu được triển khai, gần 900 hộ tái định cư gắn với nông nghiệp, vậy nhưng phải hơn 6 năm chờ đợi, hơn 1/3 số hộ mới được giao đất sản xuất, các hộ dân còn lại được giao dần theo các năm. Đến nay, bản Quan Chiêng với 47 hộ dân mới được giao 3,7 ha diện tích đất bán ngập.
Mường Lay có khoảng 150ha đất bán ngập, tuy nhiên chỉ tiến hành sản xuất nông nghiệp được một vụ chiêm, còn vụ mùa, đúng mùa mưa nước dâng cao nên bà con không thể sản xuất, đời sống của người dân vốn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính nay lại càng khó khăn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!