"Bắt bệnh" loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, làm thế nào để ngăn ngừa hoả hoạn?

Vấn đề hôm nay-Thứ sáu, ngày 05/08/2022 06:27 GMT+7

VTV.vn - Những năm qua, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy các quán karaoke, dẫn tới những sự việc đau lòng khi thiệt hại nhiều nhân mạng. Làm thế nào để thay đổi tình hình?

Vụ cháy quán karaoke đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cách đây ít ngày để lại rất nhiều đau xót. Với những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CHCN) thì cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân là mệnh lệnh cao nhất. 3 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn của mọi người.

Vụ việc này một lần nữa đặt ra vấn đề về quản lý hoạt động của các quán karaoke. Vì đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, PCCC, quy hoạch đô thị... Quy định đã có, nhưng kết quả thực hiện thì đang khá xa so với yêu cầu.

Nghị định 54/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, cụ thể là: Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự. Trước đây, TP. Hà Nội từng có ý tưởng đề xuất đưa karaoke vào quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thế nhưng, khi đưa đề xuất này ra bàn trong kỳ họp Hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét, phân biệt karaoke là kinh tế hay văn hóa, để tự phát triển theo nhu cầu thực tế.

Thông tư 147/2020 của Bộ Công an quy định rõ về biện pháp đảm bảo an toàn PCCC - CHCN với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Trong đó nêu ra các quy định với từng quy mô như: Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3. Cơ sở cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.000 m3

Cần phân bổ mật độ và quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ này như thế nào? Nhất là PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke?

"Bắt bệnh" cơ sở kinh doanh karaoke


Chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH, Bộ Công an cho hay: "Loại hình kinh doanh karaoke thường ở những mặt phố đông phương tiện giao thông qua lại, những nơi tập trung đông người, để hoạt động kinh doanh được trở nên hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ thường khi hỏa hoạn xảy ra, lực lượng chức năng chỉ tiếp cận được 1 mặt phố phía trước. Do đó, khả năng tiếp cận nhanh, mọi hướng để thực hiện hoạt động chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Điều đó làm mất đi thời gian vàng để cứu được những người bị nạn".

Đại tá Khương cũng nhận định, ứng phó của người dân tại các quán karaoke khi sự việc xảy ra còn tương đối lúng túng. Đây là yếu tố tương đối khách quan bởi vào thời điểm đông người, đa số là khách hàng, không phải những người sống và làm việc tại cơ sở này. Khi có sự cố xảy ra, họ không nắm hết được đường đi lối lại ở cơ sở karaoke, gây khó khăn cho hoạt động thoát nạn của bản thân. Bên cạnh đó, những người phục vụ ở quán karaoke đôi khi cũng không quan tâm tới điều kiện an toàn trong quá trình làm việc tại cơ sở, dẫn đến việc đôi khi cũng không nắm rõ lối thoát nạn của nơi mình đang làm việc. Bằng chứng là khi sự cố hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke, cũng đã có những trường hợp nhân viên quán bị thiệt mạng.

Bắt bệnh loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, làm thế nào để ngăn ngừa hoả hoạn? - Ảnh 1.

Điểm chung của hầu hết các quán karaoke là chỉ có 1 mặt thoáng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tiếp cận nguồn cháy để dập lửa. (Ảnh minh họa)

"Theo con số báo cáo của các địa phương, trên cả nước có khoảng 12.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Qua rà soát, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp không đủ điều kiện, vi phạm quy định về PCCC… Với những trường hợp có thể khắc phục ngay, chúng tôi đều yêu cầu khắc phục trước khi cho doanh nghiệp trở lại hoạt động. Còn đối với những cơ sở không thể khắc phục ngay hoặc việc khắc phục tốn thời gian dài, chúng tôi đã tiến hành tạm đình chỉ. Bên cạnh đó, còn những cơ sở chống đối lực lượng chức năng" - Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ về tình hình hoạt động của các cơ sở karaoke hiện tại.

Nhìn lại năm 2016, một vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy cũng từng để lại hậu quả rất nặng nề, khiến 13 người thiệt mạng. TP Hà Nội khi ấy đã buộc phải tạm dừng hoạt động toàn bộ các quán karaoke trên địa bàn để rà soát lại điều kiện PCCC. Và trong 6 năm, Hà Nội không cấp phép thêm cho cơ sở karaoke mới nào. 

Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy ở cơ sở kinh doanh, quán karaoke: Cần sự chung tay của các cấp chính quyền


"Đây là vấn đề lớn, cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan cùng nghiên cứu để có quyết sách, quy định, làm sao phù hợp thực tế, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở karaoke, đảm bảo điều kiện sống của các hộ gia đình lân cận như vấn đề về tiếng ồn, an toàn, an sinh xã hội…" - Đại tá Khương bình luận về câu hỏi rằng liệu có nên quy hoạch theo từng khu vực về mật độ của các quán karaoke hay không?

Về vấn đề hiện nay, quy định cấp giấy phép xây dựng chưa đề cập đến nội dung PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ rằng: Bộ Xây dựng đã bắt đầu dự thảo quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy với nhà ở riêng lẻ. Trong thời gian tới, khi hoàn tất xin ý kiến các bộ ban ngành liên quan, tổ chức hội thảo thực tiễn, chắc chắn những quy chuẩn về PCCC sẽ được ra đời, đảm bảo hành lang pháp lý để quản lý loại hình này.

"Đối với trường hợp nhà ở riêng lẻ, khi xây dựng xong chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang các hoạt động kinh doanh khác, chúng tôi đã nắm bắt và quản lý theo các quy định trong Nghị định 136. Có những loại hình cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh do UBND cấp xã quản lý; có những loại hình do Công an cấp huyện quản lý hay Công an cấp tỉnh quản lý, tùy vào quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó".

Từ đầu năm 2021, Nghị định 136 của Chính phủ bổ sung một số điều của Luật PCCC. Trong đó có 1 số điểm mới:

Thứ nhất, bổ sung thêm vào danh mục các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là: nhà trọ, các cơ sở lưu trú, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo kiểu như những quán karaoke...Nghị định 136 cũng tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, lãnh đạo UBND cấp xã, phường cũng như vai trò của người dân. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 1 năm/lần. Tuy nhiên, không phải ở đâu, người dân và chính quyền cơ sở cũng nắm rõ những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy.

Ví dụ như câu chuyện của cửa hàng ông Nguyễn Văn Diên tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Hàng hoá chật kín lối đi, hệ thống điện sát với những vật liệu dễ cháy. Những cửa hàng bách hoá, loại hàng hoá gì cũng ko thiếu, trước đây ko thuộc diện quản lý về PCCC. Theo nghị định 136, những loại hình kinh doanh nhỏ lẻ này giờ được giao cho cấp xã, phường quản lý về PCCC.

Tuy nhiên, ông Diên cho biết bản thân không biết về quy định này - "Thông tin này cũng chưa thấy phường đi phổ biến và nhắc nhở gì cả, bây giờ được nghe nói tôi mới biết đến. Hiện nay tôi mới biết thông tin này lần đầu tiên về việc bàn giao quản lý PCCC về cho UBND phường...".

Trong khi đó, Nghị định 136 đã quy định rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ một năm một lần; có thể tổ chức kiểm tra đột xuất và trao quyền cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

Cảnh sát PCCC – CHCN không có đủ lực lượng để đi từng khu dân cư, từng hộ gia đình để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn… mà cần tới sự chung tay của các cấp ủy chính quyền cơ sở. Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân sẽ hiểu rõ hơn, kỹ hơn về những quy định, điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Nói cách khác, chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, để từ đó, có chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc cấp cùng vào cuộc.

Đại tá Nguyễn Minh Khương

"Lực lượng PCCC được Đảng, Chính phủ rất quan tâm, tạo điều kiện trang bị cho các thiết bị đảm bảo an toàn cho công tác PCCC-CHCN. Tuy nhiên, các phương tiện chuyên dụng này còn đang thiếu. Xuất phát từ thực tế này, Bộ Công an đang trình Chính phủ phê duyệt đề án, phấn đấu từ nay đến năm 2030, trang bị cho các chiến sĩ đầy đủ các phương tiện, trang bị an toàn trong công tác PCCC" - Đại tá Khương cho biết thêm.

Bắt bệnh loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, làm thế nào để ngăn ngừa hoả hoạn? - Ảnh 3.

Lực lượng PCCC - CNCH hiện đang thiếu trang thiết bị chuyên dụng.

Hiện nay, loại hình nhà ống để vừa ở vừa kinh doanh rất phổ biến trong cả nước. Đáng lo ngại nhất, vì sợ mất trộm nên những ngôi nhà này hoàn toàn không có cửa hay cầu thang thoát hiểm. Và những ngôi nhà này sẽ trở thành nơi đe dọa mạng sống của mọi người khi được hoán đổi  trở thành quán bar hay karaoke. Vì không để bị người dân xung quanh khiếu kiện, nên chủ của những cơ sở này thường sử dụng nhiều chất liệu dễ cháy để cách âm. Nếu không may xảy ra cháy, hậu quả rất khôn lường. Vì thế, cơ quan chức năng muốn một lần nữa cảnh báo về sự nguy hiểm của những căn nhà ống giữa các khu dân cư được sử dụng làm nơi kinh doanh karaoke. Quá nhiều sinh mạng của người dân và cả các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC đã mất. Có những thứ còn có thể làm lại, xây dựng lại, nhưng sinh mạng con người khi đã mất thì vĩnh viễn không gì có thể bù đắp được. Vì thế, hãy hành động để ngăn chặn những vụ cháy, nhất là ở những quán karaoke, bằng cách thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về PCCC và điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Mời độc giả quan tâm theo dõi chương trình Vấn đề hôm nay, phát sóng ngày 4/8/2022 qua VIDEO:

Vấn đề hôm nay - 04/8/2022


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước