Lời qua tiếng lại cũng chỉ vì thắc mắc về dịch vụ xét nghiệm không được bảo hiểm y tế thanh toán, nhiều bệnh nhân không hiểu vì sao lại bị cắt đột ngột như vậy.
Khi công văn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra về việc dừng chi trả bảo hiểm y tế đối với máy mượn, máy đặt tại các cơ sở y tế, thì ngay lập tức đã có một số bệnh viện thu tiền các dịch vụ này. Còn với một số đơn vị y tế khi chưa có hướng dẫn cụ thể, lại rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
"Những công văn này chưa có sự hướng dẫn một cách cụ thể, chưa có sự thống nhất và tôi thấy vẫn còn lăn tăn để mà giải quyết những cái vấn đề về tài chính. Chúng tôi vẫn đặt quyền lợi của người bệnh lên trên" - BSCKII: Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.
"Áp lực từ trên có, từ dưới có. Nếu như tôi dừng hoàn toàn về xét nghiệm, về dịch vụ y tế thì người dân sẽ như thế nào? Và nếu tôi mà tiếp tục sử dụng, anh không thanh toán thì hệ lụy của nó sẽ ra làm sao?" - BSCKII: Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho hay.
Bệnh viện gặp khó bởi chưa có sự thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXHVN sau khi các văn bản đưa ra. Và khi khoảng trống còn bỏ ngỏ sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa các cơ sở y tế.
Theo ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế: "Nếu thu mà chưa cho phép thì không phù hợp bởi luật chưa quy định và chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước mà đơn vị lại thu. Lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã họp và thống nhất hướng dẫn theo hướng cho phép các cơ sở y tế tiếp tục được thanh toán dịch vụ máy đặt, máy mượn tuy nhiên chỉ cho phép trong thời gian thực hiện hợp đồng".
Việc đột ngột dừng thanh toán thiết bị máy mượn, máy đặt đã từng xảy ra vào năm 2018 và hiện sự việc này tiếp tục tái diễn. Để thống nhất việc thực hiện giữa các bên và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bộ Y tế đang đề xuất hình thức này sẽ đưa vào quy định của Nghị định dự thảo liên doanh liên kết để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế thực hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất cứ công văn nào thay thế, còn kéo dài thì người bệnh sẽ vẫn còn phải chịu thiệt thòi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!