Tổng cục thống kê cho biết, trong quý I/2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý đầu năm nay đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2021 vẫn tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
Thu nhập bình quân tháng người lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,6 triệu đồng, tăng 181.000 đồng so với cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 112.000 đồng và thu nhập bình quân của lao động trong khu vực dịch vụ là 7,5 triệu đồng, tăng 55.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.
Mặc dù thu nhập bình quân chung tăng nhưng mức tăng này không đều giữa các ngành. Một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và thu nhập của lao động trong ngành đó bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước như: nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 5,2% (giảm 359.000 đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (giảm 234.000 đồng).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương quý I/2021 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 556.000 đồng so với quý trước và tăng 132.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động nam có thu nhập bình quân cao gấp 1,2 lần lao động nữ (7,6 triệu đồng so với 6,6 triệu đồng).
Theo Tổng cục thống kê, hiện trên cả nước vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi dịch COVID-19 xuất hiện ở các quý năm 2019 chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch COVID-19 xuất hiện, chiếm 4,8% vào quý I/2020 và tăng lên mức cao nhất là 6,2% vào quý II/2020 khi dịch bùng phát.
Khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 4,4% vào quý IV/2020 và tăng lên 4,9% vào quý I/2021 khi dịch COVID-19 quay trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!