Bất hợp lý trong 2 bảng xếp hạng quốc tế đánh giá thấp khả năng chống dịch của Việt Nam

Ban Truyền hình Đối ngoại-Thứ ba, ngày 21/09/2021 06:53 GMT+7

VTV.vn - Hai bảng xếp hạng về tình hình chống dịch COVID-19 của Nikkei Asia và Bloomberg có những điểm bất hợp lý, dễ gây lầm tưởng "Việt Nam chống dịch tệ nhất thế giới".

Nhiều nhận định khác nhau của báo chí quốc tế về tình hình dịch ở Việt Nam

Công tác chống dịch COVID-19 ở Việt Nam luôn nhận được sự chú ý của báo giới quốc tế ngay từ những ngày đầu chống dịch. Đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4 này, các nhà báo nước ngoài tiếp tục phản ánh sát tình hình và đưa ra nhiều những nhận định khác nhau suốt gần 4 tháng qua.

Số ca nhiễm trong cộng đồng và tử vong theo ngày có xu hướng giảm, số liều vaccine được tiêm tăng lên ấn tượng, việc điều trị bệnh nhân được xử lý tốt, vùng đỏ ở một số nơi được thu hẹp. Một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã có những biện pháp nới lỏng giãn cách, chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới.

Những kết quả của nỗ lực này đã được phản ánh sinh động trên nhiều báo chí quốc tế:

- Trang The Star của Malaysia ngày 17/9 có bài viết: Thủ đô Hà Nội thu hẹp vùng giãn cách để phục hồi sản xuất kinh doanh.

- Nhiều trang quốc tế như Times24h hay Dailyadvent ngày 17/9 đưa tin: Tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 ngày qua.

- Trang tin Đài phát thanh công cộng NPR của Mỹ ngày 13/9 đã có hàng tít: Việt Nam đẩy nhanh đợt tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Hà Nội; hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện vào cuối tuần vừa rồi.

- Hàng loạt trang thông tin du lịch đã nhanh chóng đưa ra những tin vui như: Việt Nam vạch ra kế hoạch nối lại các chuyến bay nội địa (Flightglobal ngày 15/9), Du khách quốc tế có thể đến Việt Nam trong mùa thu này (Lonely Planet ngày 13/9), Đảo Phú Quốc của Việt Nam chuẩn bị mở cửa cho du lịch trong tháng tới (CNN, báo tiếng Nga ngày 10/9).

Nhưng bên cạnh những thông tin tích cực, một số báo chí quốc tế lại đưa ra bảng xếp hạng theo đó đánh giá rất thấp khả năng chống dịch và phục hồi từ đại dịch của Việt Nam.

Nikkei Asia ngày 3/9/2021 đã xếp Việt Nam đứng thứ 121 trên tổng số 121 quốc gia và vùng lãnh thổ về phục hồi COVID-19 cùng nhận định rằng: "Lần thứ hai, Việt Nam xếp ở vị trí cuối bảng Chỉ số phục hồi COVID-19". Còn Bloomberg vào cuối tháng 8 đã xếp nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 50/52 quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng chống chịu với đại dịch.

Bất hợp lý trong 2 bảng xếp hạng quốc tế đánh giá thấp khả năng chống dịch của Việt Nam - Ảnh 2.

Nikkei Asia ngày 3/9/2021 đã xếp Việt Nam đứng thứ 121 trên tổng số 121 quốc gia và vùng lãnh thổ về phục hồi COVID-19

Bất hợp lý trong 2 bảng xếp hạng quốc tế đánh giá thấp khả năng chống dịch của Việt Nam - Ảnh 3.

Bloomberg cuối tháng 8 đã xếp nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 50/52 quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng chống chịu với đại dịch

Những điểm bất hợp lý gây lầm tưởng "Việt Nam chống dịch tệ nhất thế giới"

Để có thể hiểu rõ hơn về 2 bảng xếp hạng của Nikkei Asia và Bloomberg, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với anh Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Brandeis (Mỹ) chuyên ngành Quan hệ quốc tế - cây bút có nhiều bài bình luận về quan hệ quốc tế trên các báo trong và ngoài nước.

Bất hợp lý trong 2 bảng xếp hạng quốc tế đánh giá thấp khả năng chống dịch của Việt Nam - Ảnh 4.

Từ góc độ nghiên cứu, anh Ngô Di Lân cho rằng cả hai bảng xếp hạng về tình hình chống dịch COVID-19 của Nikkei Asia và Bloomberg đều có những điểm tương đối bất hợp lý: "Trước tiên nói về quy mô của 2 bảng xếp hạng. Nếu chỉ nhìn lướt qua, người ta dễ lầm tưởng rằng Việt Nam đang chống dịch tệ nhất thế giới nhưng đây hoàn toàn không phải là sự thật bởi bảng xếp hạng của Nikkei Asia chỉ đánh giá tình hình chống dịch ở 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi có khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì sao họ chọn những nơi này để xếp hạng thì chúng ta tuyệt nhiên không biết. Còn Bloomberg cũng chỉ đánh giá 53 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thế nên nếu chỉ nhìn thoáng qua con số chúng ta dễ có ấn tượng xấu về nỗ lực chống dịch của Việt Nam nhưng bức tranh thực tế thì rất khác".

Thứ hai là việc lựa chọn các bộ tiêu chí để xếp hạng: Nikkei Asia sử dụng 9 chỉ số thuộc 3 nhóm (Kiểm soát lây nhiễm, Độ phủ vaccine, Khả năng di chuyển) còn Bloomberg sử dụng 12 tiêu chí khác nhau cũng thuộc 3 nhóm (Tiến trình mở cửa trở lại, Tình hình COVID-19, Chất lượng cuộc sống). Nhưng tại sao lại sử dụng những tiêu chí đó thay vì những tiêu chí khác thì họ không có lời giải thích rõ ràng trong khi điều đó sẽ rất ảnh hưởng tới kết quả xếp hạng chung cuộc.

Các bộ tiêu chí để xếp hạng của Nikkei Asia và Bloomberg không có lời giải thích rõ ràng

"Trong số các tiêu chí trên có những tiêu chí tôi thấy không hợp lý để đo lường khả năng chống chịu hay phục hồi của một quốc gia trước đại dịch COVID-19. Ví dụ như, tôi không thể hiểu, trong việc đánh giá Quản lý lây nhiễm của Nikkei Asia, họ lại chọn tiêu chí như: số test trên từng ca nhiễm (Tests per case). Nếu như vậy thì chỉ cần xét nghiệm càng nhiều một ca nghi nhiễm thì điểm sẽ càng cao, tức chính phủ cứ chi thật nhiều tiền cho việc xét nghiệm là sẽ nâng được điểm của mình, trong khi đó việc xét nghiệm bao nhiêu phần trăm người dân, với tần suất thế nào là điều mà các chuyên gia vẫn còn tranh luận thời gian gần đây".

"Với bảng xếp hạng của Bloomberg thì tôi thấy chỉ số về độ hà khắc của các biện pháp giãn cách xã hội cũng vô lý không kém. Cụ thể độ hà khắc càng cao sẽ càng bị trừ điểm. Vấn đề nằm ở chỗ chỉ nhìn vào con số đó ta sẽ không thể biết được nơi nào bất đắc dĩ phải giãn cách vì tình hình quá nghiêm trọng, nơi nào chủ động chọn biện pháp giãn cách hà khắc đơn giản như một chiến lược để dập dịch nhanh gọn. Với những nơi mà độ bao phủ vaccine còn mỏng như Việt Nam, các biện pháp cách ly, phong tỏa vẫn đóng một vai trò đáng kể để giảm tỉ lệ tử vong và tránh làm sụp đổ hệ thống y tế" - anh Ngô Di Lân đánh giá.

Ngoài ra, một điều kỳ lạ nữa là cả 2 bảng xếp hạng này đều dựa trên những tiêu chí có tầm quan trọng khác nhau, nhưng lại đánh đồng điểm tính, tức là mỗi chỉ số đều được đánh điểm theo thang 0 - 10. Ví dụ như xếp tầm quan trọng của việc tổng số vaccine bình quân đầu người cũng ngang bằng với tiêu chí chăm sóc sức khỏe toàn dân từ tiêm chủng cho trẻ sơ sinh đến chữa bệnh ung thư.

Anh Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Brandeis (Mỹ) cũng nhấn mạnh lại 2 điểm:

Một là để tạo ra những bảng xếp hạng này cần sử dụng rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, với những sai số vô cùng đa dạng, tùy vào từng quốc gia. Thế nên khi tổng hợp lại thì không những sai số sẽ lớn mà còn không đồng đều nữa, vậy nên những đánh giá tổng thể sẽ có độ chính xác không quá cao.

Thứ hai, mục đích ở đây không phải là chứng minh rằng những bảng xếp hạng này không có giá trị. Điểm mấu chốt ở đây là vì những bảng xếp hạng này có độ sai số đáng kể và có những lỗ hổng đáng kể về phương pháp luận nên sẽ tạo ra một bức tranh rất thiên lệch. Do đó, chúng ta không nên quá bận tâm bởi những thứ bậc xếp hạng này, chỉ nên coi như một mẩu thông tin tham khảo nho nhỏ mà thôi.

Niềm tin lớn của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế và bức tranh chống dịch của Việt Nam

Nikkei Asia và Bloomberg có quan điểm của riêng họ khi xếp hạng các quốc gia theo tiêu chí của mình, nhưng đó không phải là bức tranh toàn diện, tổng thể và chính xác tuyệt đối về khả năng chống dịch và khả năng phục hồi của Việt Nam.

Thực tế là cũng trên tờ Bloomberg, vào ngày 7/9/2021 có luôn nhận định của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho rằng "COVID-19 đã phá vỡ nhưng không làm lệch vai trò ngày càng mở rộng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng tăng trưởng". Như vậy chỉ cách nhau có mấy ngày tờ báo này đã đưa hai ý kiến gần như trái ngược nhau về triển vọng nền kinh tế Việt Nam.

Hàng loạt tờ báo khác cũng đã trích những nhận định tích cực của các tổ chức và định chế tài chính quốc tế như:

Những nhận định tích cực của các tổ chức và định chế tài chính quốc tế về triển vọng kinh tế và bức tranh chống dịch của Việt Nam

Ngày 15/9/2021, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Hà Nội nhận định: "Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh được dỡ bỏ".

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans mới đây cho rằng: "Không quốc gia nào làm tốt hơn Việt Nam khi gặp khó khăn và trở ngại. Điều này đã được lịch sử kiểm nghiệm. Ông dự báo với kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ vào khoảng 5 - 5,5% và đạt 6,8% trong năm 2022".

Tờ Les Echos của Pháp có bài ngày 8/9/2021 trích lời các nhà kinh tế của ANZ Research khẳng định: "Không có công ty nước ngoài nào thay đổi kế hoạch hoạt động của họ tại Việt Nam, vì họ tin rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe sẽ nhanh chóng được khắc phục. Trong dữ liệu chính thức, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tăng lên. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại quốc tế vẫn còn nguyên vẹn".

Để trả lời cho câu hỏi là những thông tin tiêu cực có làm ảnh hưởng gì đến tâm lý các doanh nghiệp FDI hay không, hãy lắng nghe ý kiến từ những người đang trực tiếp kinh doanh và làm ăn ở Việt Nam:

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 vừa qua, Samsung đã tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng của Samsung tại TP Hồ Chí Minh sớm hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến chúng tôi sẽ đạt vượt mức mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Ông CHOI JOO HO, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Mặc dù năm nay chỉ còn hơn 3 tháng nữa thôi, nhưng chúng ta có thể tận dụng cơ hội khá hiệu quả vì hiện nay lao động, bối cảnh của Việt Nam rất thuận lợi để phát triển hoạt động sản xuất, có rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ông HONG SUN, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham)

Tôi chắc chắn rằng các doanh nghiệp FDI sẽ không rời Việt Nam đi đâu. Vì nếu rời Việt Nam thì họ sẽ đi đâu? COVID-19 đang đặt ra những thách thức kinh tế rất lớn cho các doanh nghiệp. Nhưng tôi không cho rằng đó là hệ quả của các biện pháp chống dịch không hiệu quả. Thực tế cho thấy, Chính phủ và chính quyền địa phương đang làm mọi thứ họ có thể để hỗ trợ tất cả chúng tôi. Cả doanh nghiệp và Chính phủ đều có một mục tiêu chung là chiến thắng COVID-19.

Ông THOMAS BO PEDERSEN, Tổng giám đốc Mascot Việt Nam và Lào

Như vậy, nhiều nhà quản lý cấp cao có niềm tin rất lớn vào triển vọng kinh tế trong dài hạn của Việt Nam và bức tranh chống dịch của Việt Nam cần phải có thêm những góc nhìn cận cảnh của những người trong cuộc như thế này trên truyền thông quốc tế để dư luận được biết và tự có câu trả lời cho mình.

Với những tín hiệu lạc quan về tình hình chống dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta có quyền hi vọng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ vững vàng trước muôn vàn khó khăn của dịch bệnh và con đường phát triển vẫn thênh thang phía trước.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng vào quyết tâm chống dịch của Việt Nam Cộng đồng quốc tế tin tưởng vào quyết tâm chống dịch của Việt Nam

VTV.vn - Sau bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bạn bè quốc tế đã bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm chống dịch của Việt Nam và sẽ chung tay đẩy lùi đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước