Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 19/07/2021 19:45 GMT+7

VTV.vn - Các thông tin bịa đặt của những kẻ phản động về chính sách, đường lối chống dịch của Việt Nam là cuộc chiến ngầm mà hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến chống dịch.

Phản bác thông tin sai sự thật về chống dịch tại Việt Nam

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền bức ảnh với nội dung "đây là các bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh". Nhiều người đã chia sẻ hình ảnh này, bình luận, gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, đây chỉ là tin giả, sai sự thật.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định bức hình này được ghi nhận tại Indonesia, không phải ở Việt Nam. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định, người nào có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 1.

Không chỉ một vài bức ảnh sai sự thật, trong những ngày vừa qua, khi diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh trở nên phức tạp, trên các nền tảng mạng xã hội lại xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, đưa tin vô căn cứ, gây hoang mang trong cộng đồng. Nhiều trang phản động cũng lợi dụng tình hình này để nói xấu chính quyền, kích động người dân làm ngược lại những quy định phòng dịch của Chính phủ.

Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cũng như các chuyên gia quốc tế đã phản đối những quan điểm méo mó, sai lệch này và bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách chống dịch của Việt Nam.

Ngày 11/7, một tài khoản mạng xã hội tung tin thất thiệt: "Việt Nam, cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu. Cách chống dịch của Đảng làm COVID-19 lây lan ngày càng nhiều. Không hỗ trợ cứu đói cho dân mà còn tận thu vơ vét tiền của dân".

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 2.

Hàng loạt những trang mạng xấu độc khác tiếp tục đưa ra những hình ảnh sai sự thật, rằng TP Hồ Chí Minh sắp "vỡ trận", chuẩn bị "giờ giới nghiêm", cấm người dân di chuyển ra ngoài trong mọi trường hợp.

Điều này khiến đa số độc giả chưa cần suy xét đã tin ngay và cho rằng tình hình đang rất nguy nan và lực lượng chống dịch đang rối như tơ vò, dẫn đến không hợp tác.

Thực tế, tỷ lệ số ca nhiễm trên 1.000 người dân của Việt Nam là 0,51 - thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác như Brunei (0,64) hay Mỹ (102,21).

Vin vào chuyện này, nhiều trang thiếu thiện chí lại nói rằng Việt Nam cần phải bỏ giãn cách xã hội thay vì thực hiện các biện pháp chặt chẽ như hiện nay, kèm theo những tít giật gân như "Chưa hết dịch đã chết đói", "Đã tập trung thì không phải là cách ly".

Đảm bảo cuộc sống cho người nghèo khi thực hiện giãn cách

Có một thứ còn nguy hiểm hơn cả COVID-19, đó là tin giả trên mạng xã hội, Trong tuần qua, khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì hàng loạt các thông tin xấu, độc được các đối tượng khủng bố, tổ chức phản động nước ngoài tung lên mạng trên các nền tảng như Facebook, YouTube.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 3.

Các đối tượng này lợi dụng cuộc sống của người lao động nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương trong giai đoạn giãn cách để tung tin bịa đặt, kích động chia rẽ sự chung tay, đồng lòng của người dân với các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà chính quyền đang thực hiện.

Thủ đoạn chung mà hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội Facebook và cả video trên YouTube của các đối tượng xấu là rêu rao luận điệu việc thực hiện Chỉ thị 16 đối với người lao động tự do là giam lỏng, không khác gì đi tù.

Thâm hiểm hơn, ngoài những thông tin méo mó, kích động, chúng còn tung ra những video tin tức hay phỏng vấn ý kiến của những người lao động nghèo chưa được nhận hỗ trợ từ chính quyền để bóp méo, vu khống rằng "không thấy Đảng giúp dân", "người nghèo không được hỗ trợ", "chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu".

Không khó để nhận ra đứng đằng sau những tin tức bịa đặt, kích động này là các tổ chức phản động, các trang mạng quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam và cả các cá nhân chống đối chính quyền ở trong và ngoài nước.

Thực tế, trong tuần qua, tại các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách để phòng chống COVID-19, một nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải thực hiện nhanh nhất là hỗ trợ đảm bảo cuộc sống của người lao động nghèo tại các khu vực giãn cách.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 4.

Ngày 9/7 là ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, những người dân đầu tiên đã được nhận số tiền hỗ trợ là 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ 886 tỷ đồng đợt 2 của TP. Sau hơn 1 tuần triển khai, đến ngày 15/7, hầu hết quận, huyện và TP Thủ Đức tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/1 người đến tay 95% lao động tự do, tức là 220.000 người.

Đa phần người lao động tự do đều xúc động khi được trao tận tay phần tiền hỗ trợ và được đảm bảo lương thực thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Những thông tin bịa đặt, vu khống lan truyền trên mạng về vai trò, trách nhiệm của chính quyền đều bị chính những người lao động nghèo tại TP Hồ Chí Minh bác bỏ.

75% dân số Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào Quý I/2022

Chưa hết, một số trang thông tin nước ngoài đã đưa tin về việc Việt Nam sẽ cần 10 năm mới có thể đạt được mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 75% dân số. Đại diện Bộ Y tế khẳng định điều này hoàn toàn không chính xác và không có căn cứ. Những phân tích sau sẽ bác bỏ những luận điểm này và giải thích vì sao Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu đến Quý I/2022 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 được cho hơn 70 triệu người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 5.

Các lô vaccine COVID-19 đang được chuyển dần về Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế

Trên trang Facebook của Strait Times - Singapore cách đây ít ngày có đưa ra bảng so sánh về số lượng vaccine và tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của các nước Đông Nam Á. Cùng với những con số về tiến độ tiêm chủng và tiếp nhận vaccine hiện nay, bảng thống kê này dự báo Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.

Đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đơn vị được giao nhiệm vụ nhập và phân bổ vaccine phòng COVID-19 khẳng định: Điều này hoàn toàn không chính xác và không có cơ sở.

GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng cho biết, trong Quý III/2021 sẽ có khoảng 26 triệu liều vaccine, Quý IV sẽ có khoảng 65,5 triệu liều vaccine các loại, trong đó có 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ dưới 18 tuổi sẽ về đến Việt Nam.

Tổng số vaccine trong Quý III và Quý IV mà Việt Nam nhận sẽ là 91,5 triệu liều. Con số này sẽ vượt gấp nhiều lần so với số vaccine đã nhận tới thời điểm này.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về công cuộc chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 6.

Ảnh: HCDC

Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêm được cho gần 4,3 triệu người, trong đó có hơn 300.000 người hoàn thành 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và các địa phương đang nhanh chóng triển khai tiêm cho người dân.

Việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, minh bạch.

Không chỉ đạt mục tiêu người dân được tiêm vaccine mà vấn đề quan trọng là đảm bảo an toàn đến từng mũi tiêm, Bộ Y tế đã tập huấn tiêm chủng đến từng xã phường. Với hệ thống y tế cơ sở rộng khắp, Việt Nam đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 70 triệu người dân từ nay tới hết Quý I/2022.

Tư tưởng thống nhất trong chống dịch là Việt Nam chống dịch như "chống giặc". Giặc ở đây không chỉ là dịch bệnh mà còn là những thông tin bịa đặt, những kẻ chống phá nhà nước Việt Nam đang âm thầm lợi dụng dịch bệnh để chia rẽ sự đoàn kết dân tộc. Do đó, niềm tin vào các đường lối chống dịch, sự đồng lòng trong đại dịch sẽ là sức mạnh để chúng ta đứng vững trước sự tấn công của mọi thế lực thù địch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước