Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi đã tỉnh với các vết mổ đã khô, ăn uống được và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo TTXVN, bệnh nhi N.K.T, trú ở xã Đông Quang (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), bị chó cắn khi sang chơi ở nhà hàng xóm. Bé được gia đình đưa đi cấp cứu và điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) trong tình trạng vùng da đỉnh đầu rách, bong lóc hộp sọ, trong đó có 3 vết cắn sâu có kích thước 3cm x 8cm, đồng thời bị rách da vùng cổ, mất tổ chức vùng má thái dương phải, lộ mạch máu... Bệnh nhi nhanh chóng được hội chẩn mổ cấp cứu. Ca mổ kéo dài 2 giờ.
Ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng vệ sinh, cầm máu, khâu lại các vạt da bị rách cho bé đồng thời cố gắng đảm bảo được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ sau khi hồi phục. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Văn Thoan, Phó trưởng khoa Khoa Răng Hàm Mặt, cho biết, với tình trạng của bé, nếu không kịp thời được phẫu thuật thì các vết thương rất dễ bị nhiễm trùng nặng và diễn biến khó lường khiến thời gian nằm viện kéo dài. Ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng vệ sinh, cầm máu, khâu lại các vạt da bị rách cho bé đồng thời cố gắng đảm bảo được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ sau khi hồi phục.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trung bình mỗi năm Khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận điều trị từ 20 - 30 bệnh nhân bị chó cắn. Chó thường cắn vào mặt của trẻ do vùng cơ thể đó ngang tầm của con vật. Khi bị chó cắn, ngoài những vết thương rách để lại sẹo xấu và các tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, nạn nhân còn bị sang chấn tâm lý và có thể bị lây bệnh dại qua vết cắn.
Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi đã tỉnh, vết mổ đã khô, ăn uống được, chơi ngoan và có thể xuất viện trong 1 đến 2 ngày tới. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, các gia đình không cho trẻ lại gần chó, đặc biệt là chó lạ, không để trẻ trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ hoặc khi trẻ đang ăn. Cần xử lý vết thương kịp thời cho trẻ khi bị chó cắn. Nếu vết thương nhỏ, không chảy máu hay chảy máu ít thfi người lớn nên rửa vết thương cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước. Nếu vết thương lớn, người sơ cứu cần cầm máu, ép vết thương bằng gạc, vải sạch, hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương và đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Trước đây cũng đã có rất nhiều vụ trẻ nhỏ bị chó nhà cắn bị thương nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp tử vong.
* Ngày 6/2/2019 (mùng 2 Tết Nguyên đán), anh Bùi Văn Tuấn (sinh năm 1987, trú tại xã Trung Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) bị chó nhà nuôi cắn vào mu bàn tay chảy máu, rồi tiếp tục cắn vào vợ và con gái gây chảy máu. Một ngày sau, con chó cắn vào tay người con trai út khiến chảy máu. Anh Tuấn bắt con chó để xích thì bị nó cắn lần nữa. Anh chém chết chó rồi đem chôn.
Tuy nhiên, gia đình không xử lý vết thương và tiêm vaccine phòng dại. Đến ngày 31/3, anh Tuấn bị nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động và ánh sáng được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện được chẩn đoán mắc dại. Gia đình chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Do điều trị không có kết quả, gia đình xin đưa về nhà và tử vong ngày 2/4.
Sau khi anh Tuấn được chẩn đoán mắc dại, cả gia đình mới đi tiêm phòng. Tuy nhiên, cậu con trai út 7 tuổi bị ốm, sốt nên không tiêm được. Gia đình đưa cháu về địa phương chữa bệnh tại nhà thầy lang và tử vong vào tối 3/4.
* Tháng 4/2019, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi nhập viện trong tình trạng đa vết thương vùng mặt, mắt phải, vết thương lóc da đầu do chó nhà cắn.
Bệnh nhi được sơ cứu, khâu xử trí các tổn thương ở mặt và vùng mí mắt. Đặc biệt, ở vùng đầu có một vết thương lóc da đầu dài khoảng 15cm. Sau đó, bệnh nhi được gia đình đưa về nhà.
* Ngày 19/4, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận một bé trai 7 tuổi, trú tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên vào viện cấp cứu do bị chó cắn trong tình trạng hôn mê, kích thích, rối loạn nhịp thở, vết thương phức tạp vùng nách 2 bên, vết thương dập nát vùng cánh tay trái, dập nát vùng hậu môn, chẩn đoán đa tổn thương nông sâu tác động nhiều vùng cơ thể.
Mặc dù đã được các bác sĩ cứu chữa, xong do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong khoảng 19h cùng ngày.
Trước đó, người nhà bệnh nhân cho biết cháu đang trên đường đi học về, đi qua nơi con chó đang xích thì bị chó cắn.
* Cuối tháng 4/2019, Bệnh nhi B.T.N. (5 tuổi, trú tại Đăk Blà, Kon Tum) được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum trong tình trạng đau do vết thương hở, hoảng sợ vì chó cắn. Bệnh nhi bị nhiều vết thương phần mềm ở xung quanh cổ, tai, cằm và cánh tay trong đó có nhiều vết thương rất nguy hiểm.
Theo mẹ bệnh nhi, con chó nhà nuôi đã lâu, thường ngày được xích ở góc sân để trông nhà. Khi bé đi học về, thấy con chó của nhà mình bị tuột xích nên lại gần thì bất ngờ con chó nhảy vào cắn. Nghe tiếng con khóc lớn, chị chạy về thì thấy con chó đang vật bé lăn lộn ngay giữa sân, cố gắng lắm mới đưa con thoát khỏi con chó hung dữ. Sau khi tấn công bé, người thân trong nhà sợ hãi nên đã đập chết con chó.
Theo bác sĩ A Bên - Khoa Ngoại chấn thương, vết thương do bị chó tấn công của bệnh nhi khá phức tạp. Có khoảng 10 vết thương hở, các vết cắn độ dài trung bình 3 - 4cm, bờ nham nhở. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, mổ cắt lọc vết thương, khâu cầm máu, khâu nối gân.
* Đầu tháng 5/2019, tại Thanh Hóa đã xảy ra vụ bé 12 tuổi bị cùng lúc 2 con chó Pitbull xông vào cắn. Dù hoảng loạn chạy trốn nhưng cậu bé cũng không thoát được 2 con chó dữ - mỗi con nặng khoảng 30kg. Đó là chó của một gia đình ở cùng thôn với nạn nhân.
Sau khi bị cắn một lúc lâu, cậu bé mới được người dân phát hiện trong tình trạng rất nguy kịch, mất nhiều máu do bị mất da đầu, 2 tai bị cắn nát, rách nhiều bộ phận trên cơ thể, nhất là mặt, cổ, ngực, bụng. Do quá nặng nên sau khi sơ cứu, cháu bé đã được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.
Khi đó, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt - Bệnh viện Việt Đức cho biết, cháu bé có cơ hội sống sót nhưng sẽ phải điều trị vết thương kéo dài, tái tạo da đầu, 2 tai và vùng mặt.
* Ngày 16/3/2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhập một bệnh nhi 6 tuổi (trú tại Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng lo sợ, hoảng loạn sau khi bị chó cắn. Sự việc xảy ra khi bé đang nô đùa cùng con chó nhà nuôi, thì bất ngờ con chó tấn công bé.
Bác sĩ Đặng Quang Tuấn, Khoa Tai Mũi Họng, cho biết bệnh nhi nhập viện với vết thương phức tạp ở vùng mặt. Ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sĩ đã tiền hành xử trí vết thương, băng ép và cho đi chụp chiếu kiểm tra toàn trạng cho bệnh nhi.
* Ngày 2/6/2020, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi với rất nhiều vết thương nặng, phức tạp vùng hàm mặt do bị chó cắn.
Trước đó, bệnh nhi có sang nhà hàng xóm chơi với bạn, trong lúc gia đình không chú ý, trẻ đưa nhau ra sau nhà chơi và không may bị chó cắn. Tại thời điểm xảy ra sự việc, mặc dù con chó nuôi đã được xích nhưng cháu bé còn quá nhỏ và chưa có khả năng phản ứng nhanh với tình huống bất ngờ này nên bị thương khá nặng. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã xử lý rửa sạch vết thương, thay băng, loại bỏ các dị vật và khâu tạo hình thẩm mỹ các vết thương hở.
* Ngày 10/6/2020, bé Đ.Q.V. (2 tuổi, trú tại Bình Dương) được gia đình đưa vào bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, quấy khóc, vết thương vùng mặt do chó cắn.
Mẹ bé cho biết do lúc đi vào nhà, bé vô tình vấp phải con chó đang ngủ, con chó bị giật mình nên cắn vào vùng mặt của bé. Sau khi sơ cứu vết thương, bệnh nhi được bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 xử trí khâu vết thương dài gần 15cm, sâu khoảng 1cm. Vết thương của bệnh nhi được khâu thẩm mỹ, tuy nhiên có thể để lại sẹo trên mặt do vết thương tương đối dài, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
* Ngày 23/7/2020, đang chơi một mình trong bếp, bé trai 20 tháng tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên bất ngờ bị chó gia đình nuôi lao vào tấn công phải nhập viện.
Khi nghe tiếng khóc của bé, gia đình chạy xuống thì phát hiện bé đã bị chó cắn rách vùng đầu mặt. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng vì mất nhiều máu nên bé nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng đa chấn thương ở vùng cổ chân, vùng mặt, gãy xương chính mũi, mất nhiều máu. Sau khi cấp cứu xử trí các vết thương, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.
* Ngày 16/8/2020, bị chó nhà người thân tấn công, bé 2 tuổi ở Hà Nội nhập viện với nhiều vết thương vùng đầu mặt, đặc biệt là vết thương dài 15cm trên đầu làm lộ xương sọ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết tình trạng bệnh nhi lúc vào viện có nhiều vết thương vùng đầu mặt, chảy nhiều máu do chó cắn, nếu không kịp thời phẫu thuật thì các vết thương rất dễ bị nhiễm trùng nặng và diễn biến khó lường khiến thời gian nằm viện kéo dài, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhi nhanh chóng được vệ sinh sạch sẽ, cắt lọc và khâu đính lại các vạt da.
* Ngày 29/8/2020, Trung Tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một bé trai 7 tuổi ở Lâm Thao, Phú Thọ với nhiều vết cắn ở vùng bắp đùi hai chân.
Gia đình bệnh nhi cho biết khi sang hàng xóm chơi, cháu đã bị chó nuôi thả rông lao ra tấn công gây nhiều vết rách tại 2 bên chân. Nghe tiếng la hét của cháu, hàng xóm và gia đình lập tức đưa bé đến trạm y tế gần đó để sơ cứu, sau đó được chuyển thẳng tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bệnh nhi bị vết thương bắp chân trái 10x10 cm, lộ gân cơ cẳng chân trái, tổng số gần 30 vết thương. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương gối phải dài 5cm và nhiều vết thường nhỏ dài khoảng 2 - 3cm. Bệnh nhi nhanh chóng được xử trí, rửa vết thương thay băng để vết thương hở, tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng chó dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ đã khâu gần 70 mũi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!