Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ hàng năm. Điều đáng nói là thời gian gần đây, 1/3 số trường hợp mắc "căn bệnh của người già" này lại nằm ở những người trẻ từ 40 tuổi trở xuống. Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ đang gây ra những hệ lụy trước mắt và lâu dài, tác động lớn đến một lực lượng lao động chính của xã hội.
Đang tất bật với công việc buôn bán ở chợ những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Tường Vy bỗng cảm thấy xâm xoàng, tê cứng tay chân, rối loạn giọng nói. Sau khi được đưa đến cơ sở y tế chị phải trải qua cuộc đại phẫu mở hộp sọ giải áp, lấy máu tụ để điều trị tai biến mạch máu não. Chị Vy là một trong rất nhiều những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ đang được điều trị tại khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đà Nẵng.
Vy có tiền sử cao huyết áp, có thói quen không ăn uống đúng giờ, thường hay bỏ bữa sáng. Lúc nhớ thì ăn, không nhớ thì bỏ bữa.
Mỗi năm, bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 4.000 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ. Vào những tháng mùa lạnh, mùa mưa, tần suất nhập viện vì căn bệnh này tăng cao hơn. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi chiếm từ 10 - 20% và vẫn đang có dấu hiệu tăng lên.
Nguyên nhân khiến người trẻ đột quỵ lại xuất phát từ thói quen sinh hoạt, lối sống không lành mạnh. Như việc sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, thuốc tránh thai ở bệnh nhân nữ có thể gây nên những yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ nhiều hơn.
Khoảng 70% số người đột quỵ không thể trở lại được công việc và trạng thái sức khỏe ban đầu. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ trên dưới 35 tuổi sau khi điều trị xong cũng không thể tiếp tục lao động, thậm chí không thể sống tự lập. Do vậy, để phòng tránh căn bệnh này, việc tạo dựng thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh, chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát cơ thể để loại trừ các nguy cơ là vô cùng cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!