Bệnh viện công lúng túng trong việc tự chủ
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với nhiều điểm mới, được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động khám chữa bệnh.
Xã hội hoá y tế, tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước cải cách phương thức tài chính công theo hướng phát huy tính tự chủ và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phát huy mọi khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập, mà ở đây là các bệnh viện công trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao, thông qua việc đa dạng hóa các nguồn thu, giao quyền cho bệnh viện được tự chủ để phát huy năng lực. Nhưng đến nay, hầu như các bệnh viện vẫn còn lúng túng trong việc tự chủ.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại các cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống công lập thuộc 45 địa phương cho thấy, có tới hơn 2 nghìn trang thiết bị đang được sử dụng là máy mượn, máy đặt của các đơn vị cung cấp sinh phẩm sau khi trúng thầu. Các bệnh viện dù rất muốn mua các thiết bị này để phục vụ bệnh nhân, nhưng kinh phí lớn và nếu xin đầu tư của địa phương phải mất nhiều năm. Trong khi đó hiện chưa có hành lang pháp lý hay quy định rõ ràng trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở y tế, khiến việc hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt. Với quy mô hơn 3.200 giường bệnh và mỗi ngày có từ 6 đến 8 nghìn lượt bệnh nhân đến khám. Nhưng hầu hết hệ thống xét nghiệm của bệnh viện là máy đặt, máy mượn.
Hầu hết hệ thống xét nghiệm của bệnh viện Chợ Rẫy là máy đặt, máy mượn
Nguyên nhân là khi thực hiện tự chủ, hầu hết máy của bệnh viện đã cũ. Trong khi để mua mới lại cần một khoản chi phí rất lớn. Phương án được lựa chọn là dùng máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu hóa chất, đây được là giải pháp tối ưu để bệnh viện giảm chi phí đầu tư.
Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình : máy xét nghiệm nước tiểu và máy sinh hóa là máy mượn nhiều năm. Đại diện bệnh viện này cho biết, dù rất muốn mua hai máy này để phục vụ bệnh nhân, nhưng kinh phí lớn và nếu xin đầu tư của địa phương phải mất nhiều năm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc dùng máy mượn, máy đặt là phù hợp. Khi chưa có kinh phí để mua các loại máy xét nghiệm, chẩn đoán hiện đại thì việc xã hội hóa là cần thiết. Có điều đến đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản qui phạm pháp luật quy định về vấn đề này khiến bệnh viện, nhà đầu tư và người bệnh gặp khó khăn trong thanh toán.
Giá dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ
Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế trong hệ thống công lập đều thực hiện tự chủ, tự chủ một phần hay từng phần; Tự chủ chi tiêu thường xuyên và tự chủ toàn diện. Dù tự chủ nhưng giá khám chữa bệnh hiện nay đã lạc hậu, giá dịch vụ y tế cũng mới chỉ được tính 4/7 cấu thành. Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu lại chưa có khung giá trần, điều này khiến bệnh viện khó quyết định giá hợp lý, các cơ sở thu không đủ bù chi.
Bệnh viện Bạch Mai vừa dừng thực hiện tự chủ toàn diện chuyển sang tự chủ chi tiêu thường xuyên.
Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện do giá dịch vụ y tế thu không đủ bù chi
Một khó khăn khiến bệnh viện phải xin dừng là do giá dịch vụ y tế thu không đủ bù chi và phải thực hiện theo khung giá khám chữa bệnh được Bộ Y tế ban hành mà giá khám chữa bệnh hiện nay đã lạc hậu, lỗi thời và mới được tính 4/7 yếu tố cấu thành.
Luật khám chữa bệnh sửa đổi dự kiến được thông qua trong kỳ họp Quốc hội bất thường lần này, trong đó cơ cấu giá dịch vụ y tế sẽ được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành. Điều này sẽ giúp các cơ sở y tế có hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh.
Như vậy bài toán là làm sao tạo hành lang pháp lý giảm gánh nặng cho ngân sách, vừa phát huy được sự năng động, tự chủ của bệnh viện công,cập nhật kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời phải có lợi cho bệnh nhân. Cũng như việc những chiếc máy mượn, máy đặt.. chúng rất cần có thêm hành lang pháp lý để đảm bảo được vận hành một cách minh bạch, an toàn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Các bệnh viện cũng có thêm các điều kiện để có thêm các nguồn lực ngoài nhà nước để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!