Biến chứng nguy hiểm từ bệnh lý tử cung

P.V-Thứ năm, ngày 10/11/2022 19:56 GMT+7

VTV.vn - Khoảng 5-10% trường hợp vô sinh nữ có liên quan đến u xơ tử cung, đây là căn bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ từ 35-50 tuổi.

Theo PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, tử cung tuy bé nhưng tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm như u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, hay các bất thường tử cung (tử cung đôi, tử cung một sừng, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn…).

U xơ tử cung thường gặp ở độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ, và đa phần là không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám phụ khoa hoặc khám sức khỏe định kỳ. Hoặc bệnh có thể có những triệu chứng như rong kinh, rong huyết, hoặc hiếm muộn, chậm có con… Lạc nội mạc tử cung có thể chẩn đoán qua thăm khám, hỏi tiền sử, cũng như dựa trên kết quả siêu âm, hoặc một số phương pháp hỗ trợ như sử dụng máy chụp cộng hưởng từ MRI hỗ trợ chẩn đoán. Viêm lộ tuyến cổ tử cung, có thể gây chảy máu, khí hư bất thường, khó chịu; hoặc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm, dự phòng kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Ngoài ra còn một số các bệnh lý về niêm mạc tử cung như quá sản niêm mạc tử cung cũng thường gặp và có thể gây rong kinh, rong huyết kéo dài…

Những bệnh lý bất thường này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như: rong kinh, băng kinh, đau bụng, thiếu máu, sảy thai, sinh non… ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phái nữ, cần phải can thiệp điều trị sớm.

Biến chứng nguy hiểm từ bệnh lý tử cung - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết: Trong tất cả các bệnh lý mắc phải ở tử cung thì u xơ tử cung là bệnh lý phổ biến, thường gặp nhất trong độ tuổi sinh đẻ.

Biểu hiện của u xơ tử cung rất đa dạng, đa phần bệnh không có biểu hiện triệu chứng ngay cả khi khối u có thể rất to. "Có trường hợp khối u to như quả bưởi, người bệnh đi khám sức khỏe mới phát hiện ra. Nhiều người còn nghĩ bụng to vì mập nhưng thực tế có cả một khối u lớn đang nằm trong đó", PGS Hinh chia sẻ.

Như một trường hợp gần đây bác sĩ Hinh trực tiếp điều trị, bệnh nhân bị u xơ tử cung đã lâu nhưng không phát hiện. Đến khi đi khám và điều trị, thì khối u kích thước lớn, lên tới 4,6kg. Sau phẫu thuật bóc tách u xơ tử cung, bệnh nhân hồi phục nhanh, không gặp biến chứng gì, ăn uống bình thường và đã xuất viện sau 2 ngày theo dõi.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp triệu chứng biểu hiện rõ ra ngoài như: rối loạn kinh nguyệt, ra máu kéo dài, ra nhiều, thiếu máu, đau bụng… Lúc này, người bệnh cần được thăm khám để bác sĩ kịp thời đưa ra kết luận và hướng điều trị phù hợp.

Theo PGS Hinh, điều đáng mừng là ngày càng nhiều chị em quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Tuy nhiên vẫn tồn tại 2 nhóm: nhóm thờ ơ trong việc khám sàng lọc bệnh (đặc biệt là tầm soát ung thư cổ tử cung) và nhóm chăm đi khám quá mức.

ThS.BS Sao Hieng, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ: phụ nữ nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám tầm soát mỗi năm một lần để sớm phát hiện các vấn đề bất thường ở tử cung, tăng hiệu quả điều trị và khả năng bảo tồn dạ con. Vì những bệnh lý về tử cung, bất thường tử cung không phải lúc nào cũng có triệu chứng rõ ràng. Nhiều bệnh nhân chỉ đi khám khi bệnh đã rõ hoặc gây biến chứng nặng nề, lúc này sức khỏe dễ xuống cấp, hiệu quả điều trị giảm, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.

Bác sĩ Sao Hieng từng điều trị cho thai phụ 26 tuổi, mang thai 32 tuần, bị đa u xơ, dọa sinh non, được bác sĩ quản lý thai kỳ chặt chẽ nên may mắn giữ được đến tuần 34 thì thai phụ gặp tình trạng hết ối, phải chỉ định mổ cấp cứu. Em bé chào đời với cân nặng chỉ 1,5kg vì u xơ nhiều, chèn ép khiến bé không lớn lên được. Khi mổ cũng không thể bóc tách u xơ vì sẽ tổn thương tử cung. "Sản phụ sốt khoảng 10 ngày vì u hoại tử, may mắn không nhiễm trùng, sau đó khối u teo nhỏ nên bạn giữ lại được tử cung và vẫn có thêm em bé. Không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như thế", bác sĩ Sao Hiêng cho biết.

Nhiều thông tin quan trọng về u xơ tử cung và các bệnh lý tử cung, bất thường tử cung được các chuyên gia chia sẻ trong Chương trình tư vấn.

Một số câu hỏi được các bác sĩ tư vấn trực tiếp trong chương trình:

1. Cháu 19 tuổi, chưa quan hệ, từ lúc dậy thì tới giờ chu kỳ kinh không đều, nhưng ra máu nhiều và đau bụng trong chu kỳ. Khi đi khám, cháu được phát hiện bị u xơ tử cung kích thước 30x32mm. Bác sĩ cho cháu hỏi khối u này nên điều trị thế nào ạ?

(Độc giả Nguyễn Minh, Hà Nội)

ThS.BS Sao Hieng, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:

Trước mắt bạn nên theo dõi khối u của mình xem nó ở vị trí nào, khi xác định rõ vị trí rồi chúng ta mới có phương án xử lý phù hợp. Tiếp theo, vì bạn chưa có gia đình, u xơ chưa gây biến chứng nên chúng ta không cần quá lo lắng dẫn tới can thiệp vội vàng. Có thể theo dõi từ 3 - 6 tháng sau đó đánh giá lại. Trừ khi u xơ đó gây ra biến chứng cho bạn như rong kinh, băng kinh hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: đau bụng quá nhiều.

Tuy nhiên, việc bạn có triệu chứng bị đau bụng nhiều còn tiềm ẩn nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung, vì vậy bạn cần khám và đánh giá lại để biết rõ bản chất của khối u là do u xơ tử cung hay do lạc nội mạc tử cung. Như vậy các bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp để không ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này.

Biến chứng nguy hiểm từ bệnh lý tử cung - Ảnh 2.

ThS.BS Sao Hieng, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

2. Em 40 tuổi, siêu âm phát hiện nhân xơ tử cung, kích thước 60x50mm, không có triệu chứng ra máu bất thường, đại tiện và tiểu tiện bình thường. Bác sĩ tư vấn em khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần và chỉ mổ khi có triệu chứng hoặc tử cung lớn hơn thai 12 tuần. Vậy thai 12 tuần thì kích thước tử cung khoảng bao nhiêu ạ?

(Chế Thanh Vân)

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:

U xơ là lành tính nên chúng ta có thể chung sống với nó suốt đời. Nên can thiệp khi u xơ gây biến chứng cho chính người bệnh, như rối loạn kinh nguyệt, ra máu kéo dài cả tháng, ra máu nhiều dẫn tới thiếu máu, biến chứng đường tiết niệu đường tiêu hóa chèn ép cần xử trí, biến chứng gây ra cho thai kỳ như không có thai, hoặc đẻ non, sảy...

Tử cung lớn hơn thai 12 tuần (3 tháng), theo lý thuyết có thể có kích thước 8cm, mỗi tháng to 4cm. Nếu bác sĩ sờ thấy tử cung trên bụng khi bệnh nhân nằm, lúc này u xơ thường 5-6cm, có thể mổ. Với người gần mãn kinh thì có thể để tới lúc mãn kinh, lúc này u xơ bé đi thì có thể không cần mổ. Không nên mổ khi khối u bé quá, hoặc quá to (không mổ nội soi được phải mổ mở nhiều biến chứng).

Tôi với bác sĩ Sao Hieng vừa mổ trường hợp bệnh nhân u xơ tử cung chưa có biến chứng gì, mổ nội soi khối u nặng 4,8kg, may mắn khối u nằm ở vị trí thuận tiện để cắt nội soi. Trước đó, tôi cũng từng mổ nội soi cho bệnh nhân có khối u 8,6 kg.

3. Em lấy chồng 4 năm. Tử cung của em có vách ngăn, nên bé đầu em sinh non và mất khi mới nửa tháng tuổi, 3 tháng sau em có thai lại nhưng hay ra máu và đau bụng, rồi sảy tự nhiên. Em mong con 3 năm qua, vẫn nuôi hy vọng là vách ngăn ít thì mang thai tự nhiên, không cần can thiệp gì. Xin bác sĩ tư vấn giúp, nếu em để lâu không can thiệp thì vách ngăn có phát triển thêm vách ngăn toàn phần không?

(Thiên Nga, 32 tuổi, Hòa Bình)

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:

Một trong những bất thường của tử cung là tử cung có vách ngăn. Một số chị em có vách ngăn không hoàn toàn thì vẫn có con được, như trường hợp của bạn là vách ngăn ảnh hưởng tới quá trình mang thai. Trong trường hợp này buộc chúng ta phải xử lý vách ngăn. Đây là kỹ thuật khá đơn giản, chúng tôi sử dụng nội soi buồng tử cung và cắt vách ngăn, quá trình mang thai và sinh con sau này sẽ hoàn toàn bình thường. Vấn đề trước mắt là điều trị vách ngăn tử cung để thai kỳ tiếp theo được cán đích an toàn.

Biến chứng nguy hiểm từ bệnh lý tử cung - Ảnh 3.

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

4. Tử cung 2 sừng có thai bình thường không ạ?

(Hà My Trương, 25 tuổi, Hải Phòng)

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:

Nhiều phụ nữ có tử cung 2 sừng vẫn mang thai và sinh đẻ bình thường. Trường hợp của bạn nếu lo lắng quá thì nên thăm khám, để xem liệu mình có bị vấn đề gì sau này không. Thai lưu không liên quan tới tử cung 2 sừng, nhưng tử cung 2 sừng có thể gây sảy thai hoặc đẻ non. Qua việc thăm khám, bác sĩ có thể cần tới 1 số xét nghiệm thăm dò để đưa ra kết luận chính xác nhất. Ngoài ra sảy thai, đẻ non còn rất nhiều nguyên nhân khác (như hở eo tử cung) chứ không riêng tử cung 2 sừng, do đó cần thăm khám tổng quát.

5. Em 35 tuổi, có 1 polyp kích thước 30x40mm có cuống, nằm gần vòi trứng phải, em được tư vấn là nên mổ polyp. Sau mổ thì khả năng có thai bình thường là bao nhiêu % ạ? Mổ xong bao lâu thì mới nên có thai? Mổ polyp 1 lần có khỏi hoàn toàn không? Polyp uống thuốc có teo nhỏ được như u xơ không?

(Trịnh Phương Thảo, Bắc Ninh)

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:

Polyp và u xơ đều không có thuốc chữa, chỉ hạn chế cho nó không phát triển thêm. Polyp bắt buộc phải cắt vì hầu hết nó gây ra rối loạn kinh nguyệt, ra máu nhiều, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. Polyp ở buồng tử cung với vị trí khó xử lý hơn, hoặc những polyp to cần phải mổ lấy ra qua đường bụng có thể việc có thai sẽ chậm hơn.

Polyp là bệnh lý dễ tái phát, nếu phẫu thuật bóc tách thì có thể thời gian sau lại tái phát. Khả năng có thai sau khi xử lý polyp còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa, do đó rất cần bạn đi khám tiền sản nếu có dự định mang thai.

6. Em 37 tuổi, tiền sử 1 lần sảy, 2 lần thai lưu, đã có con gái lớn và mong con gần 4 năm nay. Em đi khám thì bị dính buồng tử cung toàn phần, bác sĩ chỉ định mổ tách dính để có bầu tự nhiên. Xin hỏi sau mổ tách dính có lưu ý gì để không bị dính lại? Bao lâu sau mổ có thể mang thai?

(Quý Nguyễn, Nam Định)

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:

Dính buồng tử cung là bệnh lý hay gặp, gây ra sau can thiệp hút buồng tử cung trước đó… do động tác hơi quá nên làm niêm mạc tử cung dính lại với nhau, không có bầu được. Cần phải cắt dính buồng tử cung mới có thể mang thai. Dính buồng tử cung có nhiều loại: dính ít, dính nhiều. Khi người bệnh dính toàn bộ buồng tử cung sẽ không có kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, thể dính một phần có thể chữa được, nhưng trường hợp dính toàn bộ thì rất khó chữa.

Rủi ro chữa cắt dính là cắt xong dễ bị dính lại. Dù có nhiều giải pháp đưa ra để tử cung không bị dính lại sau cắt như đặt vòng chống dính, bơm keo trong những ngày liền sẹo… nhưng cá nhân tôi thấy, kỹ thuật cắt là điều quan trọng nhất trong việc giữ tử cung không tái dính.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có dụng cụ cắt dính rất đặc biệt, đường kính chỉ 5mm (nơi khác dụng cụ là 10 hoặc 10,5mm), cùng dao lưỡng cực nên việc cắt gần như là tối ưu về kỹ thuật, an toàn, hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

u xơ tử cung

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước