Công ty JVE - đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch - đã đề xuất UBND TP Hà Nội về phương án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch. Giải pháp đưa ra là vẫn sử dụng công nghệ Nano - Bioreactor, kè dọc hai bên bờ, giải quyết toàn bộ các vấn đề như nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy; làm sạch nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông, đặc biệt là xây dựng hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông.
Đề xuất này ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, đặc biệt là các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa - lịch sử. Đa số ý kiến đều ủng hộ phương án hồi sinh sông Tô Lịch thành một địa điểm văn hóa. Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án, nhất là việc xử lý dứt điểm việc ô nhiễm của dòng sông.
Hình mô phỏng Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch
Là người đang nghiên cứu nhiều dự án cải tạo làm sạch sông và hồ của Hà Nội, trong đó có sông Tô Lịch, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng, việc biến cảnh quan hai bên sông Tô Lịch thành công viên là chuyện đơn giản, yếu tốt cốt lõi là làm sao xử lý sạch dòng sông. Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, chưa thể nói được về tính khả thi và hiệu quả của việc này vì mới chỉ thực hiện thí điểm ở một phần nhỏ trên sông Tô Lịch. Hiện nay, nước thải từ sinh hoạt, từ làng nghề… đang thải trực tiếp vào sông Tô Lịch, nếu tổ chức thu gom nước thải và xử lý ở từng khu vực nhỏ cũng sẽ đem lại hiệu quả cao.
Có lẽ không đâu như Hà Nội được thiên nhiên ban tặng cho một cấu trúc đầm, hồ xen lẫn đất đai cùng với sông ngòi. Thế nhưng gần 20 năm qua, thành phố vẫn loay hoay với bài toán hồi sinh dòng sông Tô Lịch. Theo các chuyên gia, công nghệ Nano - Bioreactor không phải là một phép màu. Muốn "giải cứu" sông Tô Lịch, phải kết hợp trong một dự án quy hoạch bài bản của thành phố, quy hoạch sông Hồng và quy hoạch phát triển hồ Tây. Đồng thời, phải có sự tham gia của các địa phương nơi dòng sông chảy qua, biến dòng sông thành nguồn lợi kinh tế và niềm tự hào. Muốn Tô Lịch hồi sinh thành đúng nghĩa một con sông, phải tìm cách bổ cấp nước để tạo dòng chảy.
Việc biến cảnh quan hai bên sông Tô Lịch thành công viên là chuyện đơn giản, yếu tốt cốt lõi là làm sao xử lý sạch dòng sông...
...bởi hiện nay, nước thải từ sinh hoạt, từ làng nghề… đang thải trực tiếp vào sông Tô Lịch.
Trước câu hỏi: "Việc JVE đơn phương công bố thông tin trước khi TP Hà Nội phê duyệt đề án có vi phạm quy định của thành phố như đã từng xảy ra trước đây?", đại diện đơn vị này đã từ chối trả lời, chỉ khẳng định rằng sẽ kết hợp với Tổng thầu lớn và uy tín của Nhật Bản để triển khai dự án. Mục đích của dự án là để hồi sinh dòng sông từng sầm uất nhất Thăng Long chứ không phải để kiếm tiền.
Theo đại diện của JVE, dự án không có yêu cầu điều kiện ràng buộc nào với Thành phố mà hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng của Nhật Bản. Mọi thông tin cụ thể về dự án, đơn vị này sẽ công bố sau khi Hà Nội phê duyệt chủ trương quy hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!