Những ngày vừa qua, với hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội sau chiến thắng của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games, đa phần là những bình luận chung vui nhưng xen giữa đó vẫn có không ít bình luận cợt nhả quá đà, nói cách khác là khiếm nhã, chỉ vì nhân vật chính trong bức ảnh là nữ giới.
"Ước gì tôi được một lần trực tiếp hôn lên lá cờ trên ngực trái của các tuyển thủ thay cho lời cảm ơn" hay "Vì các cầu thủ nữ đã dùng đôi chân để làm rung động trái tim người hâm mộ, nên tôi muốn dùng đôi tay để chạm đến trái tim họ" là những câu bớt khiếm nhã nhất dưới bức ảnh của Thanh Nhã đăng trên 1 trang Fanpage về thể thao. Một người mở màn, lại có thêm vài người theo sau hưởng ứng với các lượt thả like, thả haha hay bình luận tiếp nối màn trêu đùa đó.
Dĩ nhiên cũng có rất nhiều người thấy khó chịu với cách trêu đùa này khi nhân vật trong ảnh là một nữ cầu thủ đang được tất cả người yêu thể thao nước nhà yêu quý và tôn trọng sau những đóng góp cho đội tuyển. Trong làn sóng phản đối các bình luận khiếm nhã có PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, giảng viên dạy môn Đàm phán/Giao tiếp đa văn hóa. Chị Phương Mai đã lập tức có một bài viết phân tích phê phán hành động thiếu văn minh này và bài viết nhận được 85.000 lượt tương tác, gần 2.000 lượt bình luận. Sức ép trực tiếp đã khiến chính trang Fanpage có bài viết với một số nội dung bình luận khiếm nhã phải xóa bài viết này.
Những bình luận khiếm nhã xuất phát từ đâu?
Các bình luận có thể bị Fanpage xóa, thậm chí cả bài viết trên Fanpage cũng có thể được xóa hay ẩn đi nhưng dường như là chưa đủ để xóa đi văn hóa bình luận thiếu văn minh. Tại sao những bình luận kiểu này vẫn nhan nhản và vô tư đến vậy? Một phần nguyên nhân cũng đến từ chính một số cô gái với cách làm nội dung táo bạo trên mạng xã hội. Đối với họ, dù có nhiều bình luận khiếm nhã, thậm chí sử dụng ngôn từ gây shock cũng không thành vấn đề, miễn là thu được thật nhiều tương tác.
Như một cuộc thi khiến các nhà sáng tạo nội dung phải đua nhau đưa ra vô số hình thức độc lạ để thu hút tương tác: từ hát, nhảy kèm những bộ đồ phá cách hay thậm chí là nhắc đến những từ ngữ xưa nay vốn ít ai dám nói trực tiếp. "Gió tầng nào, gặp mây tầng đó", những nội dung độc lạ sẽ thường nhận được những bình luận cũng độc lạ không kém.
Cũng chính vì điều này, mới đây, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đã nêu ra 1 trong 6 sai phạm của TikTok Việt Nam là "Không quản lý hoạt động của các idol TikTok, nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này".
Khi việc bình luận khiếm nhã trên những nội dung phản cảm đã trở tạo thành một thói quen xấu thì khó tránh việc nó sẽ lan ra tới cả những cô gái không muốn đón nhận nó. Ngay cả trên những trang cá nhân trót chia sẻ công khai hình ảnh có chút sexy cũng có nguy cơ đón nhận những bình luận từ người lạ mặt vào trêu đùa. Thực tế đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra, để lại những hậu quả tâm lý khó xóa nhòa.
Hậu quả từ những lưỡi dao vô hình
Mạng ảo nhưng tổn thương thật, đặc biệt khi sự khiếm nhã đi ra khỏi giới hạn chấp nhận của người được nhắc tới. Đó là lúc những bình luận dù vô tình hay cố ý cũng sẽ bị đẩy lên theo nhiều mức độ khác nhau.
Một nhân vật giấu tên cho hay: "Câu chuyện xảy ra với mình đến từ một anh đồng nghiệp. Bình thường thì mình bỏ qua, nhưng về lâu dài, cứ tiếp tục như thế rất khó chịu. Mình thực sự cảm thấy họ buông những lời khiếm nhã là có chủ đích đối với mình. Sau khi nhận được những lời khiếm nhã này, mình đã từng giãi bày trên story và nhận được comment tâm sự nhiều bạn nữ khác cũng bị như thế...".
Khi không ai sợ phải chịu trách nhiệm về những lời nói của mình trên mạng xã hội, nhất là những tài khoản ẩn danh, việc trêu đùa quấy rối còn đe dọa bất kỳ cô gái nào. Vậy làm thế nào để có thể ứng xử với những trường hợp này?
Theo chuyên gia Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA): "Mạng xã hội thì không thể ngăn cấm theo dạng cơ học vật lý được nên việc phản đối, tỏ thái độ của mọi người khiến cho những người buông lời khiếm nhã phải tự rụt lại. Khi thấy không đồng ý, mình phải thể hiện quan điểm và nói rằng: 'Tôi không đồng ý', 'Tôi yêu cầu bạn chấm dứt bình luận về cơ thể của tôi và cách bình luận của bạn'.
Có một cách rất đơn giản đó là nếu bạn không muốn bị phản ứng, bạn cần cân nhắc bất cứ điều gì viết ra có thể liên quan đến người khác. Thay đổi cách chúng ta ứng xử cả trên mạng lẫn ngoài đời khiến mỗi người được tôn trọng hơn. Một yếu tố quan trọng để người ta xác định ranh giới của quấy rối tình dục hay những lời bình luận khác đó là sự không bằng lòng, không chấp nhận của những người bị nghe lời bình luận...".
Mỗi nền tảng mạng xã hội đều có những lỗ hổng trong việc xử lý các nội dung và việc khắc phục đều cần sự chung tay vào cuộc của những đơn vị có thẩm quyền. Hãy tự bảo vệ mình trước trên mạng xã hội bằng cách vô cùng đơn giản là chặn những comment từ những tài khoản không có bạn chung trong mỗi bài viết của mình hoặc chỉ những người thân mới có thể thấy được những khoảnh khắc của mình. Hoặc lên tiếng khi thấy có dấu hiệu bình luận khiếm nhã, quấy rối ở những nơi công cộng trên mạng xã hội để tạo một cộng đồng văn minh hơn trên không gian mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!