Trước đây, bài kiểm tra 1 tiết là bắt buộc với tất cả học sinh từ THCS trở lên. Đối với nhiều giáo viên và học sinh, nó trở thành áp lực không nhỏ nhưng với nhiều người nó lại là thước đo quan trọng ghi nhận việc học tập của các em. Do đó, cũng đã có nhiều ý kiến xung quanh việc chuyển sang hình thức đánh giá chất lượng học tập mới này.
Giờ Sinh học tại Trường THPT Nam Việt, Quận 12, TP.HCM đã dần thay đổi. Thay vì thầy giảng, trò ghi chép học thuộc thì các em phải tự chuẩn bị bài thuyết trình. Thầy giáo định hướng và hỗ trợ học sinh tiếp cận bài học mới. Học sinh rất hào hứng khi biết sẽ bỏ bài kiểm tra 1 tiết, thay bằng cách đánh giá mới vì việc tạo ra các dự án, các bài học, trao đổi giữa giáo viên học sinh tạo sự thoải mái trong việc học tập, dễ tiếp thu kiến thức hơn.
Thầy giáo Phùng Văn Phúc - Tổ trưởng bộ môn Sinh học trường THPT Nam Việt cho biết, tất cả từ khối 6 đến khối 11 sẽ dạy học theo dự án, tùy học sinh có cách đánh giá riêng. Ngoài tư vấn hỏi đáp thì có thể sử dụng trực tuyến thì còn sử dụng bài thực hành nhỏ, thí nghiệm. Còn bài kiểm tra định kỳ giữa kỳ, tổ đề xuất sử dụng bài dạy theo dự án giáo dục Stem, sử dụng công cụ này đánh giá học sinh, thang điểm đánh giá học sinh theo từng quá trình.
Tuy nhiên, với một số phụ huynh, việc bỏ bài kiểm tra 1 tiết có thể tạo tâm lý lơ là của học sinh, đặc biệt những môn tư duy khoa học như Toán, Lý... cần có thước đo cụ thể về điểm số. Đặc biệt, khi con học trường công, sĩ số rất đông, nên việc đánh giá điểm số qua bài kiểm tra 1 tiết vẫn rất cần thiết chứ không nên bỏ hẳn.
Tuy nhiên, chính giáo viên cho rằng, việc thay đổi cách đánh giá theo thông tư 26/2020 nên có sự kết hợp cả 2 hình thức đánh giá sẽ tốt hơn, không bỏ hẳn bài kiểm tra mà sẽ thay bằng hình thức khác.
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, sự thay đổi về cách đánh giá học tập theo hướng đổi mới, cần giúp những người trong cuộc như giáo viên, nhà trường, phụ huynh, đặc biệt là học sinh hiểu rõ mục tiêu và lý do của sự thay đổi. Đó là cách đánh giá thay đổi đi cùng với cách dạy và học thay đổi, giúp học sinh học thế nào để đạt hiệu quả chứ không phải học để đo bằng điểm số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!