Khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau gồm 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển và có 2 cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối cách xa đất liền gần 20 hải lý. Trên dọc tuyến bờ biển dài 254 km có gần 100 cửa sông, cửa lạch thông ra biển thuận lợi cho việc ra vào của ngư dân. Tuy nhiên, khu vực biên giới biển của tỉnh thường xuyên gánh chịu nhiều đợt mưa dông, triều cường, áp thấp nhiệt đới, biển động mạnh… đe dọa đến tài sản cũng như tính mạng con người. Trước mùa mưa bão năm 2022, BĐBP Cà Mau đang chủ động triển khai các biện pháp, phương án để cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thời tiết trên biển diễn biến bất thường
Trong những năm qua, tình hình khí hậu thời tiết luôn diễn biến bất thường, nhất là trên biển. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên vùng biển Cà Mau xuất hiện dông lốc, sóng lớn đánh chìm 2 tàu và 5 xuồng đánh cá của ngư dân, làm 1 người chết. 29 người trôi dạt trên biển được Bộ đội Biên phòng tổ chức cứu vớt đưa vào an toàn.
Mới đây, vào lúc 3h sáng 9/7, tàu đánh cá CM 91109 TS do ông Huỳnh Văn Vũ, 48 tuổi, ngụ Vĩnh Thành, Thạch Trị, Sóc Trăng làm thuyền trưởng đang neo đậu cách đảo Hòn Chuối khoảng 2 hải lí về hướng Đông Bắc thì bị dông lốc, sóng to đánh chìm tàu. 10 thuyền viên đi trên tàu bị trôi dạt trên biển.
Các chiến sĩ Đồn BP Sông Đốc giúp dân di dời tài sản vào nơi an toàn
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo Đồn biên phòng Hòn Chuối tổ chức lực lượng và sử dụng BP 19-06-02 nhanh chóng ra biển tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời đơn vị huy động thêm 1 tàu đánh cá CM 97989 TS của ngư dân Sông Đốc cùng phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đến khoảng 4h30 cùng ngày, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy và cứu vớt được 9 thuyền viên đưa vào đảo an toàn. 1 thuyền viên tên Nguyễn Chí Nguyện 23 tuổi, ngụ Vĩnh Thành, Thạch Trị, Sóc Trăng mất tích và đã tìm thấy thi thể vào chiều hôm sau do mắc kẹt trong cabin tàu.
Trước đó, vào ngày 6/7, Đồn BP Sông Đốc cũng đã tổ chức lực lượng, phương tiện ra biển tìm kiếm cứu vớt kịp thời 3 người là ngư dân xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời đi trên phương tiện không số gặp nạn trên biển. Cũng trong ngày 6/7, trên khu vực vùng biển gần cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, 10 người dân địa phương sử dụng 4 chiếc xuồng nhỏ ra biển làm nghề thả lưới gần bờ. Khi đang hoạt động nghề thì gặp dông lốc, sóng to đánh chìm phương tiện, cả 10 người đều bị trôi dạt trên biển, nhưng được Đồn BP Khánh Hội nhanh chóng ra biển cứu vớt kịp thời đưa vào bờ an toàn.
9/10 thuyền viên gặp nạn trên biển được Đồn BP Hòn Chuối cứu vớt kịp thời
Liên tục trong những ngày qua (từ 7 - 11/7) trên địa bàn các huyện ven biển tỉnh Cà Mau liên tục xảy ra mưa dông diện rộng và triều cường bất thường đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Lực lượng BĐBP, Công an, Quân sự được huy động phối hợp chính quyền các địa phương nhanh chóng hỗ trợ giúp dân di dời người già, trẻ em, tài sản vào nơi có vị trí cao; những hộ dân có nhà tranh, cây gỗ địa phương được ở nhờ các hộ có nhà xây bằng tường kiên cố. Do nước dâng cao nên rác và phù sa tràn ngập đường đi và tràn vào nhà dân khiến sinh hoạt của nhân dân xáo trộn.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thành lập đoàn công tác do Đại tá Phạm Minh Giang - Chính ủy BĐBP tỉnh chỉ huy trực tiếp đã có mặt tại địa bàn thị trấn Sông Đốc để phối hợp các đoàn công tác của UBND huyện Trần Văn Thời trực tiếp chỉ đạo lực lượng giúp dân và vận động nhân dân không ở lại nhà trong đêm, nhanh chóng di dời đến những nơi an toàn để tránh trú.
Đại tá Phạm Minh Giang - Chính ủy BĐBP tỉnh cùng đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại cửa biển Sông Đốc
Tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, hàng chục cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc và Hải đội Biên phòng 2 được huy động xuống từng địa bàn xung yếu để giúp dân di dời người và tài sản có giá trị về nhưng nơi tránh trú đảm bảo an toàn. Do thời gian nước dâng và gió giật mạnh diễn ra quá nhanh nên nhiều người dân không kịp trở tay. Tính đến sáng 12/7, trên địa bàn biên giới biển tỉnh Cà Mau, dông lốc đã làm sập 33 căn nhà, tốc mái 340 căn, 251 căn nhà bị ngập nước, sạt lở 40m đê biển Tây, ước tính thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
Chủ động ứng phó trong mọi tình huống
Đại tá Phạm Minh Giang - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, trong mấy ngày qua, mưa dông, lốc xoáy, biển động mạnh đã gây thiệt nghiêm trọng về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên khu vực biên giới biển của tỉnh. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp địa phương và các lực lượng tại chổ tuyên truyền nhân dân, nhất là nhân dân đang sinh sống ở những địa bàn xung yếu, ven biển có biện pháp di dời, đề phòng mưa dông, nước dâng kết hợp triều cường, nhất là lốc xoáy. Làm tốt công tác chuẩn bị và có phương án xử lý tốt các tình huống xảy ra. Chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, sử dụng hệ thống thông tin lên lạc kêu gọi ngư dân đang hoạt động trên biển thường xuyên cập nhật theo dõi dự báo thời tiết; chủ động di chuyển vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn khi có thời tiết xấu.
Tại các cửa biển, BĐBP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực biên phòng, phối hợp các lực lượng chức năng và địa phương hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu theo quy định. Rà soát, thống kê, kiểm đếm số lượng người, phương tiện đang hoạt động trên biển, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ.
Đồn Biên phòng Hòn Chuối hỗ trợ ngư dân trục vớt tàu gặp nạn chìm trên biển đưa vào đảo khắc phục
Tất cả các phương tiện trước khi ra biển hoạt động phải đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, như máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, các loại phao cứu sinh cá nhân, phao bè, bình chữa cháy..., đặc biệt là ghi nhớ các tần số thông tin liên lạc với đất liền; những cách phát hiện, đề phòng và xử lý tình huống khi gặp dông lốc, sóng to, gió giật.
Chia sẻ về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai của đơn vị, Đại tá Phạm Minh Giang thông tin, từ đầu năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã bổ sung kế hoạch và chỉ đạo các Đồn, Hải đội Biên phòng chủ động nắm chắc tình trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương tổ chức luyện tập các phương án xử lý tình huống khi có bão, áp thấp nhiệt đới và dông lốc xảy ra trên địa bàn. Từ đó, xây dựng phương án, kịch bản di chuyển nhân dân đến nơi an toàn.
Đồng thời, đơn vị cũng duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực quân số, phương tiện theo quy định, sẵn sàng cùng chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!