Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không nên suy đoán nguyên nhân sạt lở do thủy điện mà phải dựa trên khoa học

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 05/11/2020 12:03 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, không nên suy đoán các vụ sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung do thủy điện mà phải dựa trên cơ sở khoa học.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề thảm họa thiên tai thời gian qua ở miền Trung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã gửi lời chia sẻ với những mất mát, những khó khăn hiện nay, chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ đang phải chống chọi, phải xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa đau thương liên tiếp xảy ra ở miền Trung.

Liên quan đến nguyên nhân của những hiện tượng cực đoan, Bộ trưởng dẫn chứng từ báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc cho thấy, Việt Nam nằm trong vòng bão của Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia rủi ro thiên tai cao nhất, đứng trong 16 nước đứng đầu liên quan đến khí hậu cực đoan.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã xem xét lại các vụ việc xảy ra trong thời gian qua và chỉ ra rằng, hiện trạng của tất cả thảm họa là do tổ hợp các dạng thiên tai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không nên suy đoán nguyên nhân sạt lở do thủy điện mà phải dựa trên khoa học - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo đó, trong số 4 cơn bão gần đây, bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua. Cùng với đó, hình thái thời tiết là vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung, tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, trong đó có những ngày lượng mưa ở Quảng Nam lên đến trên 500 mm/ngày. Có nơi trong suốt giai đoạn lên đến từ 2.000 - 4.000 mm.

"Lượng mưa đấy có thể nói là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa. Đây là một vấn đề lịch sử và có lẽ chúng ta cũng chưa có số liệu để có thể tính toán được những vấn đề như vậy" - ông Trần Hồng Hà cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho biết, ở các vùng sạt lở nghiêm trọng như vùng sạt lở Rào Trăng 3, khu kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền, TT-Huế), khu vực Binh đoàn 337 (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) là khu vực ở độ cao từ 300 - 900m và chưa thể kết luận là do thủy điện.

"Nếu chúng ta mà kết luận là do thủy điện thì chưa có vấn đề do thủy điện. Chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học" - trưởng ngành tài nguyên - môi trường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không nên suy đoán nguyên nhân sạt lở do thủy điện mà phải dựa trên khoa học - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tìm kiếm những người mất tích tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Báo điện tử Người lao động)

Bộ trưởng phân tích, toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất có độ phong hóa nứt gãy từ 9 đến 16m. Độ phong hóa này đã tạo ra đất, cát, sét mà gắn kết rất thấp. Khu vực này nằm trên một địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc của sông, suối đều theo hình chữ V. Quá trình địa chất đó luôn làm cho đất đá bị nát vụn. Cộng thêm với vấn đề ngoại sinh là lượng mưa lớn khoảng 5 đến 10 ngày thì tất cả những khu vực này đều dẫn đến nguy cơ sạt lở.

Về vấn đề điều tiết hồ chứa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mặc dù hồ chứa miền Trung không có khả năng để cắt lũ nhưng sự điều tiết rất nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học cũng đã cắt giảm được lũ ở phía dưới từ 30 đến 70%. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra 11 quy trình điều tiết trên 11 lưu vực sông có 2 chức năng cung cấp nước cho mùa cạn bên cạnh mục tiêu phát điện.

Trước Quốc hội, ông Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định, các thủy điện nhỏ không có lỗi: "Ở Na Uy có rất nhiều thủy điện nhỏ. Lỗi là chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này mà hài hòa được tự nhiên thì chúng ta vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng nhưng không phải làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên".

Trước đó, về vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau. Với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng một công suất là khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát của đất nước trong hiện nay và đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.

Không phủ nhận những tác động từ mặt tiêu cực do thủy điện, đặc biệt là tác động đến môi trường, cả đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của dân sinh. Như chúng tôi đã báo cáo, ở đây là những vấn đề tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Vì vậy, những câu chuyện tác động đến dòng chảy, tác động đến cấu trúc địa chất đất ở khu vực cũng như các nguồn lợi thủy sản, đời sống của nhân dân cũng chưa thực tế. Trong bối cảnh các công cụ, các cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, không tránh khỏi có những câu chuyện tại một số địa phương như việc thực thi không nghiêm.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không có dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên từ năm 2016 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không có dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên từ năm 2016

VTV.vn - Đây là phát biểu rất đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thuộc nội dung giải trình trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội vào chiều nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước