Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mất rừng không phải do thủy điện mà do tư duy sai trái

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 06/11/2020 16:24 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, thủy điện không phải là nguyên nhân mất rừng mà là hậu quả của khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Tại phiên chất vấn chiều 6/11, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp nhắc lại câu nói Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rằng "Thủy điện nhỏ không có lỗi trong bão lũ, sạt lở ở miền Trung những ngày qua mà là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy", đồng thời đặt câu hỏi: "Vậy Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?".

"Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?" - nữ Trung tá công an chất vấn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mất rừng không phải do thủy điện mà do tư duy sai trái - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: TTXVN

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh: "Thủy điện không phải là nguyên nhân mà thủy điện là hậu quả do những việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên. Việc này chúng ta có thể khắc phục được. Vấn đề thứ hai, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái: Trong nhà, dùng toàn đồ gỗ, sử dụng động vật hoang dã".

Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân mất rừng chính là việc thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất bình thường như cây cà phê. Khi không phù hợp với hệ sinh thái, hệ sinh thái rừng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp đó cũng không có giá trị nên rừng tự nhiên hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mất rừng không phải do thủy điện mà do tư duy sai trái - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi chất vấn.

Từ góc độ này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cùng Quốc hội rà soát từng mét vuông đất nếu chuyển đổi rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.

"Sắp tới, đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi nào mà không còn rừng nhưng chức năng phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải phục hồi lại rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Tiếp tục tranh luận, bà Ksor H’Bơ Khăp đồng tình với Bộ trưởng Trần Hồng Hà rằng, rừng tự nhiên là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề môi trường. Tuy nhiên, các câu hỏi của nữ đại biểu Quốc hội vẫn chưa được trả lời.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tranh luận

Trước đó, tại phiên thảo luận KT-XH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho biết, ở các vùng sạt lở nghiêm trọng như vùng sạt lở Rào Trăng 3, khu kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền, TT-Huế), khu vực Binh đoàn 337 (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) là khu vực ở độ cao từ 300 - 900m và chưa thể kết luận là do thủy điện.

"Nếu chúng ta mà kết luận là do thủy điện thì chưa có vấn đề do thủy điện. Chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học" - trưởng ngành tài nguyên - môi trường nhấn mạnh. "Ở Na Uy có rất nhiều thủy điện nhỏ. Lỗi là chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này mà hài hòa được tự nhiên thì chúng ta vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng nhưng không phải làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước