Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, căn cứ vào tình hình thiệt hại và điều kiện thực tế của các địa phương, Ban vận động cứu trợ của Trung ương đã thống nhất hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền là 380 tỷ đồng. Gồm các mức: Mức 1 gồm 8 tỉnh là Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình mỗi tỉnh là 30 tỷ đồng; Mức 2 gồm 8 tỉnh là Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Cạn mỗi tỉnh 15 tỷ đồng; Mức 3 gồm 4 tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang mỗi tỉnh 5 tỷ đồng.
"Trước tác động của cơn bão số 3 cũng như hoàn lưu lũ khiến các tỉnh phía Bắc đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo thông tin cập nhật hàng ngày trong hệ thống từ các địa phương, hiện tất cả các tỉnh đều cần sự chung tay hỗ trợ của đồng bào cả nước cũng như các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thiệt hại, chúng ta nên ưu tiên cho các địa phương thiệt hại nặng nề nhất là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang và Bắc Giang", ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác xã hội và Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết.
Ông Trần Sỹ Pha chia sẻ về công tác cứu trợ người dân sau bão số 3
Theo ông Trần Sỹ Pha, hiện mực nước tại một số địa phương đã rút, khả năng tiếp cận với hiện trường, tiếp cận với người dân đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các đoàn công tác cứu trợ vẫn còn gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các địa phương cần được trợ giúp.
"Nguyên tắc an toàn chung khi các đoàn cứu trợ tới các địa phương, trước hết là muốn cứu trợ, đảm bảo an toàn cho người khác, mình cũng cần bảo vệ cho chính mình. Chúng ta cần trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và phải hành động căn cứ vào cảnh báo, dự báo và biển báo của các cơ quan quản lý nhà nước như: Tổng Cục Thiên tai, Ban chỉ huy của các địa phương. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến các kỹ năng khi làm việc nhóm. Cần bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên người trong đoàn cứu trợ với nhau và với những người dân địa phương để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như an toàn cho người được cứu trợ", ông Pha nhấn mạnh.
Cũng theo ông Pha, các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, đặc biệt là Hội chữ thâp đỏ. Bởi ở đó, có các số liệu thống kê về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng. Đồng thời, các tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ đều được đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc tiếp cận hiện trường, cũng như có những kiến thức, kinh nghiệm hỗ trợ những người dân khi bị tác động bởi thiên tai.
Các đoàn cứu trợ cần chuẩn bị phương tiện bảo hộ cá nhân bao gồm: áo phao, đèn pin sạc dự phòng, loa tay, khăn mặt khô, nilon tấm dày để có thể quấn quanh người tránh mưa lạnh hoặc có thể che, trải. Về vận chuyển, cần thuyền, ca nô, xuồng. Xe chuyên chở nên là xe gầm cao, xe bán tải, xe tải, xe tải có trấu hoặc thùng dài để chở được nhiều hoặc chở được can nô, xuồng máy về thực phẩm cần lương khô, sữa nước đóng hộp hoặc túi bánh mì hoặc bánh khô loại có túi nilon. Một số loại bánh có thể để được vài ngày như bánh chưng, bánh gai, bánh nếp. Lực lượng trực tiếp đi cứu trợ cần những người có sức khỏe tốt, bơi tốt, có khả năng lái xe, lái thuyền xuồng hoặc ca nô có chuyên môn y tế thì càng tốt, người có kỹ năng điều phối có mạng lưới hỗ trợ và có thể kết nối nguồn lực.
Một số vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ người dân vùng bão lũ
"Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một hệ thống cứu trợ chuyên nghiệp. Chúng tôi luôn luôn xác định phải cung cấp cho người dân khẩn cấp những gì người dân đang cần chứ không phải chúng ta sẽ cung cấp những gì mà chúng ta đang có. Theo đánh giá, nhu cầu tại thời điểm này của các địa phương đang bị tác động bởi lũ không phải là mì tôm, cũng không phải là gạo. Bởi trong điều kiện thiên tai như hiện tại cần lương thực, thực phẩm là cơm cháy, xúc xích, nước đóng chai và thuốc không phải bán theo đơn như dầu gió, thuốc nhỏ mắt và đặc biệt là dung dịch vệ sinh của phụ nữ hay băng vệ sinh phụ nữ. Ngoài ra, những vật dụng cá nhân như đèn pin, sạc dự phòng, áo mưa, sữa dành cho trẻ em và bánh mì cũng là những thực phẩm rất thiết yếu. Tiền mặt cũng là một trong những hình thức hiệu quả khi cứu trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thị trường chưa hoạt động trở lại nên tiền mặt chưa thể giải quyết được nhu cầu thiếu yếu cho người dân", ông Kha khẳng định.
Theo ông Kha, các đoàn cứu trợ nên nên lựa chọn những mặt hàng thiết yếu nhất. Sau đó, đóng gói vào trong thùng carton, bên ngoài phải bọc nilon kín ghi nhãn mác và địa chỉ của người nhận để đảm bảo an toàn cho thực phẩm, đồ ăn không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Với quy trình vận chuyển, Hội chữ Thập đỏ đã ký chương trình phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam VNPost, hỗ trợ tiếp nhận và vận chuyển hàng miễn phí đối với 12 tỉnh bị tác động bởi bão. Bên cạnh đó, Hội chữ thập đỏ đã có văn bản hướng dẫn tất cả các cấp, hội cách triển khai đóng gói theo kích thước quy định của VNPost để đảm bảo hàng cứu trợ đến tận tay người dân.
Để thực hiện tốt công tác cứu trợ, việc huy động nguồn lực và công tác điều phối đóng vai trò rất quan trọng. Các đoàn cứu trợ cần xác định được nhu cầu của từng cộng đồng và tại mỗi thời điểm khác nhau, nhu cầu khác nhau. Hiện nay, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam có hệ thống 4 cấp, các tỉnh đều có Đội ứng phó thảm họa luôn cập nhật thường xuyên về thiệt hại và nhu cầu hàng ngày của người dân.
Đã từng có những trường hợp thiệt mạng của những thành viên đoàn cứu trợ trong lúc bão lũ. Vì vậy, dù tất cả chúng ta đều hướng về đồng bào vùng bão lũ, nhưng chúng ta cũng phải hiểu và thực hiện đúng những quy định và nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!