Cổng làng Hạ Thái là nơi ráp gianh của hai huyện Thường Tín và Thanh Trì của Hà Nội. Không chỉ là ranh giới về địa lý hành chính mà cổng làng còn là ranh giới của nguồn sống nước sạch. Nếu như bên Thanh Trì đã có nước sạch từ hệ thống nước sạch đô thị thì phía sau cổng làng kia của huyện Thường Tín, đến giờ người dân vẫn đang phải dùng nguồn nước rất ô nhiễm.
Nước giếng khoan là nguồn duy nhất để sinh hoạt và cả ăn uống của nhiều hộ dân ở đây. Nước sau khi lọc qua cát sỏi, phải tiếp tục lọc qua máy lọc RO. Nước để xả bồn cầu không qua lọc nên luôn bám một lớp cặn bẩn tanh ngòm.
"Mình cũng cảm thấy bất công vì bên làng Hạ Thái dân tình họ làm làng nghề, tiền họ có, mọi cái họ có nhưng cái nguồn nước sạch lại không có. Bên kia họ có nước sạch mà bên này mình không dù cách nhau đúng 100m" - anh Nguyễn Đức Công (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết.
Những lõi lọc nước ố vàng, bẩn đục không khó bắt gặp ở xã Duyên Thái. Dù có máy lọc nước nhưng người dân vẫn rất lo lắng. Bởi có thể đất bẩn nhìn thấy thì lọc ra được, nhưng những chất độc hại khác trong nước liệu có lọc được không?
Theo đại diện trạm y tế xã Duyên Thái, những năm gần đây, tỷ lệ người dân ở xã chết vì ung thư ngày càng tăng nhanh, chiếm tới hơn 30% các ca tử vong. Không ít trường hợp là ung thư dạ dày, ung thư gan. Cán bộ trạm y tế cho biết, từng có đoàn chuyên môn về xã kiểm tra việc ô nhiễm Asen trong nguồn nước. Kết quả cho thấy, rất nhiều khu vực có nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm Asen.
Tại một trạm cấp nước giếng khoan được coi là có chất lượng tốt nhất của người dân xã Duyên Thái. Ngày nào bà Lai cũng 2 lần đến lấy 2 bình nước về dùng bởi bà cho biết, nước giếng khoan ở nhà quá ô nhiễm. Mỗi bình 20 lít được bán với giá 7.000 đồng. Như vậy, một khối nước người dân nơi đây đang phải mua với giá 350.000 đồng, gấp khoảng 50 lần mức giá nước sạch ở nội thành.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, theo quy hoạch cấp nước Hà Nội số 499/2013, Thanh Trì dù là huyện ngoại thành nhưng lại được xác định là vùng ven nội thành nên được sử dụng chung hệ thống cấp nước đô thị. Còn Thường Tín thì theo quy hoạch chỉ được sử dụng nước từ các trạm cấp nước nông thôn và nguồn nước do người dân tự khai thác.
Thời điểm đó, đây là quy hoạch phù hợp để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân về nguồn nước sinh hoạt đang rất thiếu. Nhưng nay, khi xã hội phát triển cũng như nguồn nước ngầm đang ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt thì cần có sự điều chỉnh quy hoạch cấp nước để đáp ứng nhu cầu của người dân. Không chỉ riêng Thường Tín mà hiện đang còn khoảng 2 triệu dân khu vực ngoại thành chưa được tiếp cận nguồn nước sạch đô thị.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được hoàn thiện, trình bộ xây dựng thẩm định. Bộ Xây dựng đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến về một số nội dung do TP Hà Nội đề xuất, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!