Cách ly 16 người tiếp xúc gần bệnh nhân bạch hầu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 27/06/2020 06:00 GMT+7

Ngành Y tế Đắk Nông lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - 16 người tiếp xúc gần với trường hợp nam học viên mắc bệnh bạch hầu tại TP.HCM đã thực hiện cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.

Hiện bệnh nhân mắc bạch hầu này đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng.

Theo các y bác sĩ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này đã tương đối ổn định, hết sốt, hết đau họng và sưng hạch cổ. Nếu không được tiêm phòng và phát hiện trễ, bệnh nhân có thể phải chịu các di chứng nặng nề như tổn thương thần kinh, tim, thận; liệt các cơ hô hấp hoặc gây tử vong.

TP.HCM là địa phương thứ hai ghi nhận ca mắc bạch hầu sau tỉnh Đắk Nông.

Trước diễn biến phức tạp này, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - đã tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nơi tiếp nhận điều trị trực tiếp các trường hợp bạch hầu của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu. Trong đó có 6 ca dương tính, 4 ca đang được điều trị tại khoa nhi.

Bệnh bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra độc tố gây tổn thương cho nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc qua đồ chơi, vật dụng có dính chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, TP.HCM cho biết, vi khuẩn Bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm.

Bệnh có thể gây ra các biến chứng, tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống dẫn đến suy hô hấp. Viêm phổi, viêm cơ tim. Rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong. Liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động. Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất được ngành y tế khuyến cáo để phòng bệnh bạch hầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước