Cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành Hà Nội

Q.N-Thứ ba, ngày 07/07/2020 19:30 GMT+7

Ảnh minh họa: TTXVN

VTV.vn - Các phường của các quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn của 5 huyện ở Hà Nội là những nơi không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sáng nay (7/7) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, quyết nghị khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm: Các phường của các quận thuộc TP; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi); các thị trấn của 5 huyện là thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Về thời gian thực hiện, các cơ sở chăn nuôi phải di dời (hoặc dừng hoạt động chăn nuôi) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành Hà Nội - Ảnh 1.

Với 100% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP. Ảnh: Báo điện tử - Đảng cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, áp dụng với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực được quy định nêu trên. Đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi gồm: Cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực được quy định nói trên, thực hiện di dời (hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi; cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời (hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đáp ứng một trong các điều kiện: Đối với chăn nuôi trâu bò và vật nuôi khác có thường xuyên từ 1 trâu, bò hoặc từ 20 con dê trở lên; với chăn nuôi lợn có thường xuyên từ 2 con lợn nái hoặc dưới 5 con lợn thịt hoặc từ 1 con lợn nái và 3 con lợn thịt trở lên; với chăn nuôi gia cầm có thường xuyên từ 200 con gia cầm thương phẩm hoặc từ 100 con gia cầm sinh sản trở lên.

Nghị quyết cũng nêu rõ về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho những chủ cơ sở, người lao động (NLĐ) làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi đáp ứng quy định nói trên, khi dừng chăn nuôi có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề. Theo đó, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015, gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề với mức tối đa 3.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng tối đa 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Cũng theo Nghị quyết, các chủ cơ sở đáp ứng quy định sẽ được hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đã được TP phê duyệt. Nội dung và mức hỗ trợ được áp dụng theo điểm b, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP; phương thức hỗ trợ được thực hiện theo điếm c, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP.Về phương thức hỗ trợ, NLĐ có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp vào đào tạo dưới 3 tháng tiến hành đăng ký học nghề với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú. Chính sách hỗ trợ học phí học nghề, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lại cho NLĐ được thực hiện thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo, theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 (không trả trực tiếp cho NLĐ).

Ngoài các nội dung chính sách trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của T.Ư và TP theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ cao và có lợi nhất.

HĐND TP giao UBND TP tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, lập dự toán ngân sách hằng năm theo khả năng cân đối ngân sách của TP để thực hiện Nghị quyết; tăng cường tuyên truyền và thông báo rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách TTHC…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước