Cánh đồng lúa ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa không phải là vùng chăn nuôi bò nên lâu nay, chẳng mấy ai để ý đển rơm rạ. Nhưng, lúc này thì khác. Thửa ruộng nào vừa thu hoạch thì ngay lập tức, có người đến tận ruộng để mua gom rơm. Rơm được phơi trên mặt ruộng và được gom chẳng để sót chút nào.
Vụ lúa Đông Xuân lúc này nông dân đang thu hoạch là vụ lúa trước khi khô hạn lên đến đỉnh điểm ở các tỉnh Nam Trung bộ. Đây cũng là dịp cuối cùng để trữ rơm cho đàn gia súc, bởi nhiều khả năng những tháng tới, nhiều nơi rơi vào cảnh đồng khô, cỏ cháy.
Cũng vì thế, rơm trở thành mặt hàng nóng. Một cuộn rơm chỉ đủ cho 5 con bò ăn trong một ngày, khi bán ra cho các hộ chăn nuôi lên đến 30 ngàn đồng. Nhưng, nhiều lúc cũng không còn rơm để mua. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nên năm nay, ngay từ khi có dự báo khô hạn, người chăn nuôi quan tâm hàng đầu đến chuyện trữ rơm dành làm thức ăn cho đàn gia súc có sừng.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, đàn gia súc có sừng được nuôi nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận, với trên 400 ngàn con. Đây cũng là vùng chăn nuôi đang gặp áp lực rất lớn về thức ăn, nước uống cho gia súc mùa hạn. Cùng với đẩy mạnh trồng cỏ chăn nuôi thì vào lúc này, các hộ chăn nuôi tập trung mua gom rơm từ khắp nơi để có đủ nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Tuy nhiên, công việc này để làm được thì lại phụ thuộc vào đồng vốn của các hộ chăn nuôi.
Thêm một xe rơm chở về chuồng trại chăn nuôi, người chăn nuôi bớt đi nỗi lo mùa nắng hạn. Bởi vậy, nhiều hộ gia đình tìm mọi cách xoay xở để có đủ tiền mua rơm, công việc đầu tiên để vùng chăn nuôi vượt qua mùa hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!