Bệnh viện giờ chỉ duy trì quy mô như 1 phòng khám với 10-16 người đi làm.
Trung bình hơn 1 năm, những điều dưỡng như chị Phạm Thị Phương mới đến lượt đi làm 1 tháng. Hôm nay đến ca trực của chị, chị sẽ vẫn ở đây đến sáng mai mới về.
Nhiều đơn vị cung cấp thiết bị y tế, hóa chất, thuốc cũng bị nợ tiền nên không còn cung cấp cho bệnh viện. Bệnh viện chỉ còn gần như 1 hoạt động duy nhất là khám sức khỏe dịch vụ.
Chị - 1 trong 4 bác sĩ còn lại của bệnh viện. Chị đi làm thường xuyên nhưng 1 tháng cũng chỉ được hỗ trợ trung bình chưa đến 1 triệu đồng.
Tốt nghiệp ĐH Y Thái Nguyên, chị về gắn bó với bệnh viện gần 30 năm. 3 năm nay không có lương, không được đóng bảo hiểm xã hội.
Theo tìm hiểu, Bệnh viện Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái được thành lập cách đây 30 năm, do Cục Y tế, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý. Từ tháng 7/2020, Bộ Giao thông vận tải có quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm 100% về tài chính đối với bệnh viện này. Tuy nhiên thực tế, báo cáo của bệnh viện trong suốt 3 năm qua bệnh viện chỉ tự chủ được 14%, dẫn đến nợ tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp suốt 3 năm qua. Tổng số tiền nợ hơn 5 tỷ đồng.
Cũng vào thời điểm năm 2020, Chính phủ có quyết định về việc tổ chức lại Cục Y tế giao thông vận tải, thuộc Bộ. Theo đó Bệnh viện Giao thông Vận tại Yên Bái là 1 trong 16 cơ sở y tế của Bộ sẽ giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dù 2 bên Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Yên Bái có nhiều văn bản trao đổi, nhưng vẫn chưa giải quyết xong.
Trong lúc chờ 1 quyết định, nhiều điều dưỡng như chị Thuận không có việc phải bán rau ở chợ túc tắc qua ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!