Ranh mặn có thể xâm nhập sâu 57 - 110km trên các nhánh sông
Đồng bằng Sông Cửu long đang ở cuối mùa khô và bắt đầu vào giai đoạn bị xâm nhập mặn cao trong năm. Ranh mặn 1g/l thậm chí 4g/l đang xâm lấn thêm vào hàng chục km vào các tỉnh, thành ven biển như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cho đến Trà Vinh Sóc Trăng, Bạc Liêu. Kiên Giang, An Giang và đặc biệt là Cà Mau.
Nước mặn sẽ tiếp tục lấn sâu hơn trong tháng 3 khi nguồn nước ngọt từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long vẫn có khả năng giảm dần và thấp hơn khoảng 5-10%.
Những ngày này, ranh mặn 4 g/l đang xâm nhập sâu vào hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 55 - 85km. Sang tháng 3, ranh mặn sẽ tiếp tục vào sâu thêm từ 10 - 20km, lên tới 57 - 110km trên các nhánh sông.
Dù xâm nhập mặn năm nay được đánh giá không gay gắt như mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020 nhưng nhưng chính quyền các địa phương và người dân vẫn cần sẵn sàng các phương án ứng phó.
Để ứng phó với xâm nhập mặn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều giải pháp. Mới đây, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Khi hoàn thành, đập sẽ giúp ngăn mặn, trữ ngọt cấp nước cho 128.000 ha đất sản xuất thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Còn tại Kiên Giang, hệ thống cống ven biển đã được gia cố sẵn sàng vận hành khi mặn xâm nhập.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: "Chúng tôi tổ chức vận hành các công trình cống ven biển. Trong đó chỉ đạo chi cục thủy lợi rà soát, sửa chữa một số hạng mục còn thiếu và yếu cũng như vận hành các công trình này để phòng chống xâm nhập mặn trên địa bàn".
Để giúp các địa phương ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, Bộ Nông nghiệp đã cho vận hành Cống Cái Lớn - Cái Bé. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất vùng giúp điều tiết nước cho hơn 384 ngàn ha đất sản xuất thuộc 05 tỉnh vùng bán đảo Cà Mau.
Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé
Nỗ lực kéo nước sạch về vùng sâu, vùng xa
Mặc dù thời điểm này, mặn chưa tác động vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dù vậy, các địa phương đều đã sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh việc lên sẵn các kịch bản theo từng tình huống, các địa phương cũng đã tổ chức mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho những vùng có nguy cơ thiếu bị xâm nhập mặn.
Theo ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, địa phương có khoảng 7.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sạch trong mùa khô 2021-2022. Đa phần những hộ này sinh sống ở những nơi xa trung tâm, thường bị mặn xâm nhập.
Hiện tỷ lệ sử dụng nước nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia ở vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 60%. Để bà con có nước sạch sử dụng trong mùa khô, các địa phương trong vùng đã rất nỗ lực kéo nước sạch về vùng sâu, vùng xa. Chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, đã có 6.000 mét ống được kéo mới.
Ông Nguyễn Thành Được, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Ngoài việc mở rộng đường ống thì chúng tôi cũng đã khảo sát lại các cái trạm ở những nơi có nguy cơ thiếu nước. Nơi nào mà nguồn yếu thì mình sẽ khoan thêm để đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho bà con".
Xe cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân trong đợt hạn mặn tại Sóc Trăng
Nhớ lại, các đợt xâm nhập mặn vào năm 2019 và 2020, dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, chỉ đạo chính quyền các địa phương ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn từ rất sớm, nên đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại so với mùa khô năm 2015-2016. Thế nhưng, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn làm 40.000 ha lúa và 80.000 ha cây ăn trái tại Đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng.
Ở các mùa khô trước đây, nông nghiệp và đời sống của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, do các công trình thủy lợi chưa được xây dựng. Người dân đã phải ứng phó bằng cách xuống giống lúa sớm hơn trữ nước tưới ngay từ đầu mùa khô hoặc phải mua nước với giá cao.
Năm 2022, tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm nay khoảng 83 tỷ m3, dự báo thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 2,5 tỷ m3. Vi thế trong tháng 3, hầu hết các sông, ranh mặn 1g/l sẽ lấn thêm vào từ 10-20km nữa so với đợt 15-17/2.
Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt của người dân.
Nhìn rộng ra trên thế giới, theo một nghiên cứu ở Bắc Carolina, các nhà khoa học gọi đây là "khu rừng ma", khu rừng được tạo thành từ những cây đã chết hoặc sắp chết, được đặt tên theo vẻ ngoài xám xịt và giống như bộ xương của những cây đã chết nhưng vẫn còn nguyên….vì xâm nhập mặn.
Để không lâm vào tình cảnh này, trong mấy năm trở lại đây, nhiều công trình phòng chống hạn mặn cho ĐBSCL đã được xây dựng. Đó mới là một phần trong số các giải pháp để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biển đổi khí hậu để vùng đồng bằng là vựa lúa, vựa trái cây và vựa thủy sản, nơi có hơn 20 triệu người đang sinh sống này phát triển bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu, vốn đang ngày càng đến nhanh và không thể đảo ngược.
Do đó, việc đầu tư để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững sẽ còn phải được tiếp tục để, mỗi mùa khô hàng triệu ha đất trồng trọt và hàng triệu người dân ở đây không còn gặp phải khó khăn do hạn hán và xâm nhập mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!