Cần cơ chế đặc thù thanh lý rừng gãy đổ sau bão

Anh Thư-Thứ sáu, ngày 27/09/2024 09:35 GMT+7

VTV.vn - Trong khi rừng trồng của dân có thể tự quyết định xử lý, rừng thuộc quản lý nhà nước đang phải chịu chi phối của quy định quản lý tài sản công và luật lâm nghiệp.

Sau bão số 3, 13 tỉnh phía Bắc có hàng trăm ha rừng bị ngã đổ bật gốc. Trong khi rừng trồng của dân có thể tự quyết định xử lý như thu dọn, bán tận thu, rừng thuộc quản lý nhà nước đang phải chịu chi phối của quy định quản lý tài sản công và Luật Lâm nghiệp.

Thậm chí, nhiều diện tích rừng sở hữu chung còn chưa có quy định điều chỉnh. Điều này đang khiến công tác khắc phục sẽ còn kéo dài thêm.

2 ha rừng được nhà nước giao cho ông Chiểu (xã Lê Lợi, Hạ Long, Quảng Ninh) quản lý từ năm 1990. Cơn bão đi qua đã làm gãy những cây 60 - 70 năm tuổi. Kinh tế của gia đình ông nhờ khai thác nhựa thông đã không còn. Tuy nhiên hiện ngay cả quyền được thu dọn, thanh lý cũng phải chờ vì đây vẫn là rừng của nhà nước.

"Xin phép nhà nước cho tận thu cây gãy này, chúng tôi sẽ thuê người dọn và tranh thủ trồng cây cho kịp thời", ông Nguyễn Hồng Chiểu chia sẻ.

Mới đây, Cục Kiểm Lâm đã có văn bản yêu cầu rừng thuộc sở hữu nhà nước phải giữ nguyên hiện trạng cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Cần cơ chế đặc thù thanh lý rừng gãy đổ sau bão - Ảnh 1.

Với nền nhiệt cao, gió lớn, nguy cơ cháy rừng tăng từng ngày. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Với 64 ha bị xóa sổ hoàn toàn, Chi cục Kiểm lâm vùng 1 hiện chỉ có thể dọn cây che lấp đường tuần tra. Việc thanh lý toàn bộ và trồng mới ở đây là chưa có tiền lệ.

"Luật Lâm nghiệp chưa cho phép khai thác trên toàn bộ diện tích lâm phần đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Tôi nghĩ phải có một cơ chế đặc thù trong việc xử lý tình huống bão bao gồm cả quy định về quản lý tài sản công thì mới xử lý được", ông Trần Văn Triển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 1, cho hay.

"Chúng tôi kỳ vọng các cấp có thẩm quyền sớm ban hành nghị định về thanh lý rừng trồng, trên cơ sở đó để địa phương thực hiện các bước tiếp theo nhằm quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả nhất", ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, đề xuất.

Con số diện tích rừng thiệt hại sẽ không dừng lại ở 170.000 ha, khi nhiều nơi chưa tiếp cận được cây đổ chỉ tận thu được khi còn tươi. Việc kéo dài thời gian chờ đợi thanh lý không chỉ là lãng phí.

Từ cây rừng, tất cả đã trở thành vật liệu cháy. Chỉ riêng Chi cục Kiểm lâm vùng 1, số lượng vật liệu này đã lên tới 6.000 - 7.000 tấn. Với nền nhiệt cao, gió lớn, nguy cơ cháy rừng tăng từng ngày. Thực tế đang đòi hỏi một cơ chế đồng bộ để sớm giải quyết nhằm ngăn chặn nguy cơ thiệt hại tiếp theo ngay sau thiên tai.

Hà Nội chạy đua với thời gian dựng lại hơn 4.000 cây xanh gãy đổ Hà Nội chạy đua với thời gian dựng lại hơn 4.000 cây xanh gãy đổ

VTV.vn - Ngoài việc giải tỏa để đảm bảo an toàn giao thông, phân loại cây xanh yếu chuyển về vườn ươm chăm sóc, TP Hà Nội đã huy động lực lượng để dựng lại hơn 4.000 cây bị đổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước