Bão số 3 đã gây ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Hà Nội có trên 40.000 cây đổ và cành gãy. Trong đó, hơn 11.000 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác...) do thành phố quản lý bị bật gốc.
Để cứu cây sấu bị đổ, các công nhân phải bỏ toàn bộ lá, tỉa bớt cành. Có như vậy, cây mới có thể tập trung nước và chất dinh dưỡng nuôi thân, cũng là để ngăn tình trạng bay hơi qua lá, tăng khả năng sống sót cho cây.
Từ lúc cây ngã đổ đến khi trồng lại, thời gian càng dài, khả năng sống sót càng kém, do đó để cứu được nhiều cây nhất có thể, phải chạy đua với thời gian.
"Nếu để lâu, nắng lên mưa xuống, không cắt lá sẽ rất yếu cây, nên toàn thể công nhân và lãnh đạo đều cố gắng. Ngủ rất ít nhưng làm thì phấn đấu làm nhiều", anh Đinh Văn Dần (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành) chia sẻ.
"Công ty huy động toàn bộ lực lượng ứng cứu. Những cây tỷ lệ sống từ 60% trở lên, chúng tôi vẫn tiến hành dựng lại", ông Hoàng Cao Linh (Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành) cho biết.
Hà Nội có trên 40.000 cây đổ và cành gãy do bão số 3. (Ảnh: HNM)
Gần 300 cây (1/10 cây xanh) ở công viên Thống Nhất cũng bị đổ sau bão số 3. Dựng lại những gốc cây này không chỉ đơn giản là đặt cây vào vị trí cũ, từng chi tiết nhỏ đều được tính đến. Cáp bạt dùng để cẩu cây, bảo vệ vỏ cây không bị tổn thương.
Cây đa hàng chục năm tuổi không chỉ dựng lại, mà còn phải dẫn dụ để rễ cây lan rộng hơn, cây khỏe mạnh hơn. Mọi nỗ lực đều với mục tiêu duy nhất, cứu từng gốc cây, nhất là những cây di sản.
"Trong 18 cây di sản mà công viên quản lý, có 2 cây nặng nhất. Một là cây đa Bác Hồ và hai là cây khu vực vườn Đông Dương. Cây Đông Dương gãy ngang thân và phần gãy cũng khá sát gốc nên khả năng hồi phục sẽ rất khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để giữ lại được những phần di sản mà chúng tôi đang bảo quản", ông Ma Kiên Hán (Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Thống Nhất, Hà Nội) cho hay.
Để thực hiện kế hoạch thành phố đề ra, hoàn thành việc trồng lại cây bị đổ trước ngày 20/9, trong 10 ngày qua, các cán bộ, công nhân, thợ máy của công viên Thống Nhất đã gác lại mọi việc gia đình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Từ những thân cây này, 2 - 3 tuần tới sẽ nảy những mầm xanh, bóng mát sẽ quay trở lại sau 2 - 3 năm nữa, nhưng dựng lại cây bị đổ chỉ là việc trước mắt.
Về lâu dài, Hà Nội cần nhìn lại, tính toán và lựa chọn những loại cây đô thị phù hợp hơn, có khả năng chống chịu với gió bão tốt hơn để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trước thiên tai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!