Cần có kế hoạch phục hồi tổng thể cầu Long Biên

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/06/2022 08:08 GMT+7

VTV.vn - Cầu Long Biên, Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Giải pháp nào để sửa chữa, trùng tu cây cầu 120 năm tuổi này?

Rà soát, khắc phục ngay những hư hỏng và kiểm định tổng thể đề xuất những hạng mục, quy mô nguồn vốn, lộ trình sửa chữa cầu Long Biên là yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải tới Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam sau khi cây cầu này liên tiếp xảy ra sự cố trong những ngày gần đây.

Trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thiết kế hệ thống dầm đỡ các tấm đan tránh tình trạng sụt lún tái diễn. Tuy nhiên về lâu dài cây cầu này cần có dự án tổng thể để gia cố, nâng cấp.

Trong năm nay, Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn sửa chữa phần đường bộ của cầu. Cầu Long Biên được khởi công năm 1899. Đến nay, cây cầu 120 năm tuổi này đã trải qua nhiều lần tu sửa và vẫn đang xuống cấp theo thời gian.

Trước đó, chỉ trong vòng 1 tháng, đã xảy ra tới 2 vụ thủng mặt cầu gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại. Hiện mặt cầu xuống cấp nghiêm trọng, các trụ cầu yếu, nhịp kết cấu thép bắt đầu han gỉ, đang trong tình trạng quá tải.

Cần có kế hoạch phục hồi tổng thể cầu Long Biên - Ảnh 1.

Cầu Long Biên (Ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia và nhà văn hóa, việc khắc phục những lỗi phát sinh, duy tu hàng ngày không đủ để giữ lại công trình có giá trị lịch sử, di sản và kiến trúc đặc biệt này mà cần phải được xếp hạng di tích và một kế hoạch phục hồi tổng thể.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: ''Tất nhiên không thể nguyên trạng được nữa bởi vì quá nửa cây cầu đã cũ nát. Ta giữ nguyên dạng của nó, phục vụ giao thông thiết yếu từ thành phố ra phía ngoài. Trong quá trình đó, vừa đầu tư xây dựng, vừa phục hồi, phục chế lại cây cầu, vừa gia cường cây cầu. Ngày càng hiện đại hóa các hoạt động giao thông ngay trên cây cầu có tuổi đời 120 năm lịch sử''.

''Các kết cấu mỏi rồi, nếu muốn duy trì, khai thông để hoạt động giao thông bình thường cần điều tra khảo sát, đầu tư xây dựng, sửa chữa một cách tổng thể'', ông Tô Đình Lãng, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty CP đường sắt Hà Hải nói.

Theo GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: ''Các nhà nghiên cứu cho rằng nó có một giá trị rất to lớn, nó là di sản văn hóa nhưng mà di sản ấy phải được pháp luật thừa nhận. Theo chúng tôi, phải được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật hoặc phải là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhưng trong lúc chưa được xếp hạng di tích quốc gia thì thành phố Hà Nội phải nghiên cứu lập hồ sơ, ra quyết định công nhậnlà di tích cấp thành phố''.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước