Hơn 1 năm qua, cả nước đã có gần 9.400 bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, chuyển việc. Đây cũng là khoảng thời gian dịch bệnh nghiêm trọng nhất, áp lực đặt lên ngành y tế nặng nề nhất.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến họ phải từ bỏ công việc vốn là niềm ao ước, niềm tự hào của mình. Làm gì để các bác sĩ không bỏ việc và quay trở lại với nghề là điều mà không chỉ các cơ sở y tế phải suy nghĩ.
Có thời gian chăm con mỗi ngày là mong ước của một điều dưỡng viên suốt 7 năm qua. Chỉ khi nghỉ việc ở một trung tâm y tế cấp huyện, cô mới làm được điều ấy. Con không còn phải gửi ông bà, mẹ cũng không còn phải trực đêm hôm.
Cô từng đắn đo rất lâu trước khi nghỉ việc, vì tiếc môi trường làm việc nhà nước, lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng khi tìm được việc tại một công ty tư nhân lương cao gấp 3 lần, công việc lại đỡ vất vả, cô bỗng như nắng hạn gặp mưa rào.
Còn một nhân viên tư vấn bất động sản từng là bác sĩ tai mũi họng. Quyết định nghỉ việc từ năm 2021 nhưng đến năm nay, anh mới rời khỏi bệnh viện vì còn nán lại cùng đồng nghiệp chống dịch.
Có tới 20% bác sĩ tham gia một khảo sát của Hội thầy thuốc trẻ cho biết, thu nhập của họ chỉ đủ để phục vụ những nhu cầu cơ bản, không dám nghĩ đến chuyện tích lũy nhưng thu nhập không phải là tất cả.
Trong 1 năm rưỡi qua, gần 9.400 nhân viên y tế đã nghỉ việc, chuyển việc, nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương... Những khó khăn vất vả trong suốt một năm rưỡi chống dịch chỉ là giọt nước tràn ly bởi khi tất cả những vất vả ấy đã qua đi, họ vẫn chọn con đường nghỉ việc. Không chỉ những cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, nhiều bệnh viện lớn cũng rơi vào cảnh khó khăn về nhân lực.
Dứt áo ra đi để tìm một nơi tốt hơn nhưng với những thầy thuốc sống trọn với lời thề Hippocrates, họ vẫn luôn giữ trong mình chuyên môn và y đức, với mong muốn một ngày lại được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!