Trạm y tế đìu hiu, máy móc còn nguyên thùng
Nhắc đến "cơn khát" ở Đồng bằng sông Cửu Long, thông thường người ta sẽ nghĩ đến "khát nước ngọt" vì hạn hán và xâm nhập mặn. Thế nhưng, ở khu vực này, những năm qua còn có một cơn khát cũng trầm trọng không kém, đó là khát nhân lực y tế.
Dù tính theo chỉ số bác sĩ trên vạn dân, nhiều địa phương vẫn đáp ứng đủ số lượng. Tuy nhiên, việc nhân sự y tế thiếu và yếu về chuyên môn vẫn diễn ra cục bộ ở không ít nơi, bởi việc phân bổ không đồng đều, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trạm y tế Long Mỹ (Bến Tre) những năm gần đây, do thiếu nguồn lực nên đã không còn bác sĩ cơ hữu. Để linh động, mỗi tuần 2 ngày, bác sĩ từ tuyến huyện phải về để khám bệnh cho bà con. Các ngày thứ 2, 4, 6 trạm y tế này sẽ không có bác sĩ tăng cường về khám bệnh, khiến lượng bệnh nhân đến khám cũng giảm đi 1 nửa.
Còn tại phòng khám Đa khoa khu vực Tân Hào - Giồng Trôm (Bến Tre), dù có bác sĩ nhưng lại không có người để có thể vận hành máy móc, bởi vướng chứng chỉ hành nghề. Thế nên từ lúc mua đến nay, toàn bộ máy móc vẫn còn nguyên trong thùng.
Toàn bộ máy móc cơ sở y tế này vẫn còn nguyên trong thùng
Cấp xã thiếu, cấp huyện cũng chẳng khả quan hơn. Những năm qua, nhiều bác sĩ nghỉ hưu, chuyển công tác nhưng lại chẳng có thêm nguồn bác sĩ về nên thiếu rồi lại càng thiếu.
Bến Tre hiện có 1.120 bác sĩ, trong đó có 157 bác sĩ tuyến xã. Hiện nay, tỉnh vẫn còn 26 trạm y tế xã không có bác sĩ cơ hữu.
Tuyển khó, giữ chân càng khó hơn
ĐBSCL hiện có 92 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 14 BVĐK khu vực, 17 BVĐK tỉnh. Nhiều nơi vẫn đủ tiêu chuẩn bác sĩ/vạn dân.
Bến Tre có 9,39 bác sĩ/ vạn dân
Trà Vinh 8,9 bác sĩ/ vạn dân
Đủ là đủ tính trung bình trên toàn tỉnh. Còn khi phân bổ riêng lẻ thì nhiều chỗ trong chính địa phương ấy vẫn hụt. Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc tuyển dụng gặp khó, từ mức lương, môi trường làm việc, cơ sở vật chất.
Thậm chí, cách đây không lâu, ĐBSCL còn phải gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bác sĩ của các bệnh viện công liên tục nghỉ việc.
Nhiều năm chẳng thể tuyển thêm được bác sĩ, trong khi đó bác sĩ nghỉ hưu ngày càng nhiều. Do đó nguồn nhân lực trẻ hiện đang rất được quan tâm tạo điều kiện hết mức trong công tác cũng như kế hoạch đưa đi đào tạo chuyên sâu.
Từ năm 2008 đến nay, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Bến Tre cử đi đào tạo 523 bác sĩ và 38 dược sĩ đại học. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo có 52 người bồi hoàn kinh phí để đi làm việc nơi khác. Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác
Không chỉ vấn đề lương thiếu sức hấp dẫn, môi trường làm việc, điều kiện cơ sở vật chất chưa được đáp ứng đầy đủ cũng là điều khiến nhiều đơn vị y tế cấp cơ sở khó có thể thu hút bác sĩ.
Thật ra cũng không thể trách được họ. Bác sĩ thì cũng phải lo cơm áo gạo tiền, cũng cần được phát triển bản thân, nâng cao khả năng. Thế nên việc họ đi tìm một môi trường tốt hơn để làm việc là điều dễ hiểu.
Giải pháp nào để tạo nguồn nhân lực y tế?
Về lâu về dài, bài toán thu nhập, cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ những điều kiện tốt nhất cho các nhân viên y tế yên tâm làm việc vẫn là giải pháp căn cơ. Nhiều địa phương cũng đã có những giải pháp cho câu chuyện này.
Tại Bến tre, giải pháp trước mắt với các trạm y tế còn thiếu bác sĩ, sẽ linh hoạt điều động bác sĩ từ cấp huyện về hỗ trợ 2-3 buổi trong 1 tuần. Đối với bệnh viện tuyến huyện hoặc tỉnh sẽ hợp đồng thêm với các bác sĩ đã nghỉ hưu. Nhưng về lâu dài, tỉnh tiếp tục việc tuyển dụng, khuyến khích người đi đào tạo, nâng cao cơ sở vật chất đồng bộ để thu hút thêm nguồn nhân lực đang thiếu
Hầu hết hiện nay nguồn bác sĩ của các bệnh viện phần lớn là từ đào tạo liên thông, cử tuyển, hoặc được phân bổ từ nguồn đào tạo theo địa chỉ của tỉnh. Nên việc tranh thủ nguồn lực từ trường đại học trên địa bàn như tỉnh Trà Vinh trong năm vừa qua đã góp phần giải quyết rất lớn tình trạng thiếu nhân lực đã tồn tại nhiều năm liền.
Không chỉ tạo điều kiện phát triển, hiện nay nhiều bệnh viện cũng đang dần hướng đến thực hiện tự chủ. Trong điều kiện thuận lợi, tự chủ bệnh viện sẽ góp phần cải thiện rất lớn thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế, cũng là cách để thu hút, giữ chân nhân lực.
Các địa phương phấn đấu trong nhiệm kỳ 2021- 2025, sẽ bố trí bác sĩ cơ hữu ở tất cả các trạm y tế để tránh lãng phí các trang thiết bị ở trạm y tế. Đối với các tuyến tỉnh sẽ năng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ bác sĩ đồng thời chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!