Người dân cần cẩn trọng với những giao dịch cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội.
Ngày 24/12, Công an TP Đà Nẵng phát cảnh báo về cách thức lừa đảo mới qua mạng xã hội.
Trước đó, Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) nhận trình báo từ chị N.T.T (quê Quảng Ngãi, tạm trú tại Đà Nẵng) về việc bị lừa hơn 13 triệu đồng tiền phí đặt cọc phòng khách sạn.
Cụ thể, chị N.T.T (quê Quảng Ngãi, tạm trú tại Đà Nẵng), đã tìm kiếm thông tin về khách sạn M.B Hotel (địa chỉ tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) qua Facebook để đặt phòng cho lãnh đạo.
Sau khi liên hệ với một tài khoản tự nhận là nhân viên khách sạn, chị T đã chuyển khoản 4.200.000 đồng để đặt phòng. Người này tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm cùng số tiền do lỗi hệ thống và hứa sẽ hoàn trả lại số tiền sau đó. Cả tin, chị T. thực hiện lần chuyển khoản thứ hai. Chưa dừng lại, một tài khoản khác mạo danh kế toán khách sạn liên hệ yêu cầu chị chuyển thêm 4.963.258 đồng để hoàn tất thủ tục hoàn tiền. Tổng cộng, chị T. đã chuyển 13.363.258 đồng trước khi phát hiện bị lừa. Khi đến khách sạn để xác minh, chị phát hiện tài khoản giao dịch là giả mạo và lập tức trình báo sự việc lên cơ quan Công an.
Trước đó, ngày 26/10/2024, chị Đ.T.M.H (2002, trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò tương tự khi tìm kiếm phòng trọ qua trang Facebook "Phòng trọ Đà Nẵng giá rẻ". Theo đó, vì cần tìm phòng ở, chị H. đã liên hệ với tài khoản "Nguyễn Ngọc Vy" trao đổi và chuyển 800.000 đồng tiền cọc.
Không lâu sau, người này viện lý do cha không đồng ý với số tiền cọc ban đầu và yêu cầu chị H. chuyển thêm 1.600.000 đồng để xác nhận. Tin vào lời cam kết cùng ảnh chụp màn hình nhắn tin giữa "Nguyễn Ngọc Vy" và một tài khoản khác có tên "Tri Nguyên", chị tiếp tục chuyển tiền. Ngày hôm sau, khi đến địa chỉ phòng trọ được cung cấp tại 60 Lê Sát, Đà Nẵng, chị H phát hiện không tồn tại số nhà này. Nỗ lực liên lạc lại với tài khoản Facebook cho thuê không thành, chị H đã trình báo sự việc lên cơ quan công an.
Qua 2 vụ việc trên cho thấy thủ đoạn lừa đảo đặt phòng qua mạng xã hội ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường mạo danh nhân viên khách sạn, người cho thuê nhà hoặc tài khoản uy tín để tạo lòng tin với nạn nhân. Chúng thúc giục nạn nhân chuyển tiền nhanh chóng, thường viện lý do lỗi hệ thống, điều kiện đặc biệt hoặc yêu cầu từ người thứ ba. Sau khi nhận tiền, các đối tượng lập tức chặn liên lạc, khiến nạn nhân mất khả năng truy vết.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt phòng khách sạn, phòng trọ, nhà nghỉ thông qua các nền tảng mạng xã hội; kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ. Khi được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, người dân nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản và tính xác thực của thông tin được cung cấp trước khi chuyển khoản và ưu tiên thanh toán trực tiếp nếu có thể.
Đồng thời cẩn trọng với tài khoản cá nhân vì các giao dịch chính thức nên thực hiện qua tài khoản ngân hàng hoặc thông tin được công khai từ các tổ chức uy tín, thay vì thông qua tài khoản cá nhân không rõ nguồn gốc. Nếu có thể, hãy đến trực tiếp địa điểm hoặc liên hệ qua số điện thoại chính thức của đơn vị để kiểm tra thông tin.
Trong trường hợp nghi ngờ, hãy ngừng giao dịch và báo ngay cho cơ quan chức năng. Việc giữ lại bằng chứng như tin nhắn, hóa đơn chuyển khoản không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo tiếp tục hành vi phạm pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!