Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/12/2024 18:03 GMT+7

VTV.vn - Lừa đảo trực tuyến đang ngày càng trở thành một vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về tài chính và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Lối sống xa hoa, phô trương trên mạng xã hội, cùng những lời mời gọi đầu tư với mức lợi nhuận hấp dẫn và hàng trăm nghìn lượt theo dõi tin tưởng là cách mà Phó Đức Nam, được biết đến với biệt danh Mr Pips, xây dựng hình ảnh của mình. Thế nhưng, đằng sau vẻ hào nhoáng đó là một chiêu trò lừa đảo tinh vi. Bằng những hứa hẹn béo bở, Nam đã dụ dỗ nhiều nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do mình chỉ định rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Câu chuyện về Mr Pips không chỉ là bài học về lòng tham và sự cả tin mà còn là lời cảnh tỉnh về những cạm bẫy nguy hiểm trong thời đại số.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả - Ảnh 1.

Đối tượng Phó Đức Nam, biệt danh Mr Pips

Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh, có một người trở thành nạn nhân của lừa đảo. Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Mời gọi đầu tư, lộ lọt dữ liệu cá nhân vẫn ở mức báo động. Lừa đảo trên không gian mạng đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu chấn chỉnh và ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

"Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã tiến hành nghiên cứu trong năm vừa qua và công bố những số liệu đáng báo động về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời đã phát đi rất nhiều cảnh báo và hướng dẫn về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên mạng. Tuy nhiên, số vụ lừa đảo và số lượng nạn nhân vẫn không ngừng gia tăng, cùng với đó là quy mô ngày càng lớn. Điều này cho thấy, một phần lỗi cũng nằm ở chính các nạn nhân, do không cập nhật thông tin kịp thời, dẫn đến việc mất khoản tiền lớn vào tay kẻ lừa đảo. Khi các đối tượng lừa đảo thu lợi nhiều từ nạn nhân, trở thành động lực để chúng tiếp tục mở rộng các hành vi lừa đảo", ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả - Ảnh 2.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chia sẻ về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng

Theo báo cáo mới đây, gần 89% người dùng khi mắc bẫy lừa đảo đã nhanh chóng cảnh báo và chia sẻ với người thân, bạn bè. Tuy nhiên, chỉ hơn 45% trong số đó báo cáo sự việc với cơ quan chức năng, một tỉ lệ khá thấp.

"Hiện nay, tâm lý chung của nhiều người là dù có báo cáo cũng chưa chắc lấy lại được số tiền đã mất. Nhiều người chọn cách im lặng vì cho rằng việc trình báo sẽ gây ra những phiền phức, hay phải lên xuống cơ quan công an nhiều lần. Một số khác xem đây là bài học cá nhân và cảm thấy xấu hổ khi chia sẻ vấn đề này với người khác", ông Sơn cho biết thêm.

Trái ngược với các chiêu lừa đảo truyền thống, ngày nay, các đối tượng xấu không chỉ ẩn danh mà còn giả mạo cơ quan, tổ chức uy tín để chiếm lòng tin. Thậm chí, họ công khai quảng bá và sử dụng hình ảnh của kẻ cầm đầu để thu hút nạn nhân. Những hình ảnh này được dàn dựng rất tinh vi, khiến nhiều người dễ dàng bị lừa vì tưởng thật. Thủ đoạn này không chỉ đánh mạnh vào lòng tham mà còn khéo léo khai thác được tâm lý, tin tưởng của nạn nhân, dẫn đến việc họ dễ dàng rơi vào bẫy lừa đảo đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả - Ảnh 3.

Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng xấu còn mạo danh, sử dụng hình ảnh của những chuyên gia tài chính, uy tín đánh lừa người dùng

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Công điện 139 là sự cụ thể hóa của Chỉ thị số 21 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đề ra các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng sử dụng không gian mạng để chiếm đoạt tài sản. Công điện đã chỉ ra các nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương. Ví dụ, Bộ Công an cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các thông tin liên quan đến tài khoản phạm tội để có thể chia sẻ với các ngân hàng. Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo để tự động phát hiện và giám sát các hành vi phạm tội trên không gian mạng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát các giấy phép đã cấp cho các doanh nghiệp không hoạt động, vì nhiều đối tượng lừa đảo đang sử dụng giấy phép này để lập tài khoản ngân hàng, qua đó thực hiện các hành vi phạm tội.

Một trong những lý do khiến tài sản trong các vụ lừa đảo không thể thu hồi là các đối tượng lừa đảo thường luân chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau và chuyển đổi sang các hình thức như tiền số để che giấu dấu vết. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo là rất quan trọng. Khi nạn nhân nhận ra mình bị lừa, họ có thể báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Khi tiếp nhận vụ việc, công an sẽ ngay lập tức cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về lừa đảo. Sau đó, thông tin này sẽ được chia sẻ với tất cả các ngân hàng có kết nối đến hệ thống, giúp nhanh chóng phong tỏa các tài khoản liên quan đến hành vi phạm tội, khiến đối tượng lừa đảo không thể tiếp tục luân chuyển tiền qua các tài khoản khác.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả - Ảnh 4.

Người phụ nữ này đã bị mất trắng hơn năm trăm triệu đồng sau khi tham gia vào một sàn giao dịch tiền số trên mạng

"Việc xây dựng cơ sở dữ liệu lừa đảo này là xu hướng chung trên thế giới hiện nay và là một trong những biện pháp phòng chống hiệu quả. Việc chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan, tổ chức và ngân hàng giúp xử lý các vụ việc nhanh chóng, từ đó khắc phục hậu quả sớm và hạn chế thiệt hại cho nạn nhân", ông Sơn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, người dùng cần cảnh giác và chủ động nhận diện các dấu hiệu bất thường của các website và ứng dụng lừa đảo. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần trang bị những kỹ năng xử lý và phòng tránh lừa đảo trực tuyến cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro trên Internet.

"Việc đầu tiên là phải kiểm tra tính chính thống của trang web đó. Không có sàn đầu tư nào ở nước ngoài có liên kết trực tiếp với đồng tiền Việt Nam, vì vậy chúng ta có thể tự kết luận về mức độ hợp pháp của trang web mà họ đang mời chào", ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia bảo mật và đào tạo nhận thức an toàn thông tin chia sẻ.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả - Ảnh 5.

Các đối tượng lừa đảo dựng nên các sàn giao dịch tài chính, tiền số và chứng khoán giả mạo dưới dạng các website hoặc ứng dụng

"Những nhóm có thời gian hình thành trong một khoảng thời gian ngắn và có hiện tượng mời gọi liên tục nhiều người tham gia trong thời gian ngắn, đưa ra những cơ hội đầu tư nghìn tỷ, hứa hẹn lợi nhuận hàng trăm phần trăm, sẽ là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy đây có thể là một nhóm được dựng lên với mục đích kêu gọi hoặc lừa đảo", anh Lê Đức Anh, chuyên gia mạng xã hội, Appota Group cảnh báo.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản lừa đảo để phòng chống hiệu quả - Ảnh 6.

Anh Lê Đức Anh, chuyên gia mạng xã hội, Appota Group, cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo trên mạng

Một nghiên cứu đáng chú ý của công ty bảo mật Kaspersky tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, cứ 10 người dùng thì có đến 3 người sở hữu nhiều tài khoản khác nhau, và đặc biệt là không sử dụng tên thật, ảnh thật hay bất kỳ thông tin nhận dạng cá nhân nào. Đáng chú ý, Facebook là nền tảng có tỷ lệ người dùng giấu danh tính cao nhất, với 70%. Điều này cho thấy, trong không gian mạng, việc xác định và xác thực danh tính là vô cùng quan trọng. Chỉ khi danh tính được xác thực, mới có thể truy vết và xử lý đúng người, đúng việc.

Nghị định 147 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng, đặc biệt nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội. Nghị định cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội, cả trong và ngoài nước, phải xác thực danh tính người dùng, giúp giảm tình trạng tài khoản ảo và tài khoản mạo danh, vốn là công cụ chính để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cũng phải có cơ chế bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, qua đó giảm thiểu nguy cơ lộ lọt dữ liệu, vốn là yếu tố chính dẫn đến các vụ lừa đảo trực tuyến. Với những quy định này, Nghị định 147 không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch và an toàn trên mạng xã hội mà còn là công cụ hiệu quả để các cơ quan chức năng xử lý và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, bảo vệ người dùng tốt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước