Khó khăn trong quản lý người dùng nhỏ tuổi trên mạng xã hội
Thách thức về việc kiểm soát độ tuổi người xem là điều mà hầu hết nền tảng mạng xã hội đều gặp phải. Đa phần các nền tảng đều quy định người dùng phải từ 13 tuổi trở lên mới được sử dụng nền tảng. Thế nhưng thực tế, dù chưa đủ tuổi, trẻ vẫn không khó để tiếp cận các video có nội dung xấu.
Nguyễn Ngọc Phương Thu, 11 tuổi, cho biết: "Con có tài khoản riêng khi sử dụng Tiktok. Con thường đăng những video của con lên. Lớp con có rất nhiều bạn sử dụng Tiktok. Con nghĩ là cũng phải tầm nửa lớp".
Với TikTok, trẻ có thể dễ dàng tiếp cận các video mà không cần phải lập tài khoản riêng. Nhiều thử thách, trào lưu từng xuất hiện trên nền tảng này được đánh giá là nguy hiểm, không phù hợp với đối tượng trẻ em.
Chị Lã Phương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: "Bắt đầu chơi Tiktok thì con tự tạo tài khoản. Thực ra việc này mình không thể cấm được. Khi con chơi Tiktok thì mình cũng phải kiểm tra xem bạn ý đang xem những gì bởi vì cũng phòng trường hợp rằng bạn ý theo bạn bè search những từ khoá khác rất là nguy hiểm".
Sự việc gần đây nhất tại Việt Nam là một YouTuber kiêm Tiktoker nổi tiếng sử dụng hình ảnh búp bê giống với búp bê ma để giáo dục cho trẻ nhỏ. Điều bất ngờ hơn là có rất nhiều nội dung tương tự đã xuất hiện trước đó và đa phần những bình luận tương tác dưới các video đến từ các người dùng nhỏ tuổi.
"Tới thời điểm này, pháp luật tại Việt Nam chưa quy định trách nhiệm với các nền tảng mạng xã hội phải có quy định về độ tuổi. Đối với quốc gia khác như ở Mỹ, họ có luật bảo vệ quyền trẻ em trên mạng. Đối với những nền tảng thu thập dữ liệu của trẻ em phải có rất nhiều điều kiện. Việt Nam thì theo tôi nghĩ rất cần những quy định này" - Đại tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng An ninh thông tin mạng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói.
Mạng xã hội tuy chỉ là không gian ảo nhưng lại mang sức mạnh thực trong khi hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp. Do đó, cần sớm bổ sung các chế tài như quản lý chặt chẽ mạng xã hội, công nhận "ngành nghề" làm nội dung trực tuyến để có quy tắc ứng xử, quy định quản lý phù hợp.
Bên cạnh đưa ra chế tài mạnh dưới góc độ pháp luật để quản lý nội dung trên không gian mạng thì các chủ kênh thông tin trên mạng cần có cam kết về nội dung để nâng cao trách nhiệm với xã hội. Để thực hiện được điều này, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng tiên quyết là xây dựng những nền tảng mạng xã hội dành riêng cho đối tượng trẻ em.
Cần xây dựng những quy chuẩn, nền tảng mạng xã hội dành riêng cho trẻ em
Là một Tiktoker chuyên sản xuất nội dung liên quan tới trẻ em với những video hài hước quay cùng con gái mình, anh Hải luôn mong muốn mạng xã hội này sẽ có nền tảng dành riêng cho trẻ nhỏ để loại bỏ những nội dung có thể gây hại cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Minh Hải, Chủ kênh Tiktok "Bối Bối - An Nhiên" cho biết: "Những clip mà tôi đăng trên kênh đa phần là quay cùng với bé nên tôi có thể kiểm tra được những clip đó có ảnh hưởng đến đối tượng trẻ con hay không. Hải mong rằng sau này Tiktok cũng sẽ cho ra mắt Tiktok Kids để các bé có thể vui chơi một cách thoả thích".
Mặc dù chưa có nền tảng dành riêng cho trẻ nhỏ, nhưng mạng xã hội này cũng rất nỗ lực trong việc nỗ lực xử lý các trường hợp vi phạm. Mới đây, Cục An toàn thông tin, Cục Trẻ em và Tiktok Việt Nam đã thống nhất lập đường dây nóng hoạt động 24/7 giữa 3 đơn vị nhằm cập nhật và xử lý nhanh, kịp thời những thông tin sai lệch, có nội dung phản cảm, độc hại với trẻ em trên nền tảng TikTok.
"Khi chúng tôi phát hiện ra những tài khoản dưới 13 tuổi thì chắc chắn chúng tôi sẽ xoá tài khoản. Ngoài ra chúng tôi cũng có triển khai tính năng gia đình thông minh cho phép tài khoản của bố mẹ có thể kiểm soát chặt chẽ tài khoản của con cái mình có thể giới hạn nội dung nào có thể xem, giới hạn về độ tuổi và thời gian xem" - ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam, cho hay.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Quân: "Ra ngoài đường có nguồn nguy hiểm là xe cộ nhưng chúng ta không thể cấm trẻ con ra đường được. Không gian mạng xã hội cũng như vậy, chúng ta không thể cấm tuyệt đối vì trên mạng có rất nhiều điều mà trẻ em có thể học hỏi được. Ở độ tuổi dưới 13 vẫn cần có sự giám hộ của bố mẹ, việc thực hiện giám hộ này vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cha mẹ đã được quy định rất rõ trong luật hôn nhân và gia đình".
Sau YouTube Kids và Messenger Kids, sắp tới đây, Facebook cũng đang xây dựng phiên bản Instagram đặc biệt dành cho trẻ em dưới 13 tuổi. Ngày càng nhiều những ứng dụng mạng xã hội và chính sách đặc biệt dành riêng cho người dùng nhỏ tuổi ra đời, chứng tỏ các nền tảng này đang ngày một quan tâm, tiếp cận gần hơn với lớp thế hệ tương lai của người dùng Internet.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!