Cảnh báo bệnh thủy đậu vào mùa và những sai lầm khi điều trị

Minh Đức-Thứ ba, ngày 07/03/2023 15:26 GMT+7

VTV.vn - Thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao khiến số ca bệnh nhân mắc thủy đậu tăng cao, nếu không chăm sóc đúng cách có thể để lại nhiều di chứng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 24-2 đến 3-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 54,5% so với tuần trước đó, không có ổ dịch mới.

Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, tại Hà Nội có thêm 24 ca mắc tay chân miệng, giảm 32% so với tuần trước đó, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 80 ca. Hiện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc sởi, ho gà…

Đáng chú ý, theo báo cáo của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một ổ dịch thủy đậu ở Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho,…; có thể lây qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.

Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4 trong năm là khoảng thời gian độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây bệnh thủy đậu.

Các triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.

Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan;

Người dân cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Sai lầm trong điều trị thủy đậu

Theo BS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Khi bệnh thủy đậu khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ... Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Mặc dù được đánh giá là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh rất nặng nề, gây viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan

Hiện nay, nhiều người quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín. Nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng, đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu. Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và để lại sẹo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước