Thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về giao thông đang gia tăng. Nhiều vi phạm diễn ra công khai và ngang nhiên trong bảy tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên tăng hơn 20 % so với cùng kỳ năm ngoái. Cảnh sát giao thông trên cả nước đang tăng cường kiểm tra và xử lý học sinh vi phạm pháp luật về giao thông. Cần có giải pháp để học sinh tự giác tuân thủ pháp luật, trước hết là pháp luật về giao thông để mai này các em trở thành công dân gương mẫu chấp hành bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba kẹp bốn, lạng lách, đánh võng, đi xe vượt quá phân phối cho phép. Hay hình ảnh không ít cha mẹ đưa đón con đi học cũng kẹp ba, kẹp bốn mà không ai trên xe đội mũ bảo hiểm. Những hình ảnh này chẳng còn xa lạ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta được phép coi đó là chuyện bình thường, bởi đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Hình ảnh học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba kẹp bốn, lạng lách, đánh võng, đi xe vượt quá phân phối cho phép, không ít cha mẹ đưa đón con đi học cũng kẹp ba, kẹp bốn mà không ai trên xe đội mũ bảo hiểm
"Trẻ em và học sinh thuộc nhóm tuổi chưa thành niên, từ nhận thức, tâm sinh lý cho đến các hành vi của các em không thể đòi hỏi giống như người đã trưởng thành. Do vậy, cha mẹ, phụ huynh, học sinh và những người giám hộ là những người có trách nhiệm rất lớn trong việc theo dõi, quản lý, kiểm soát các em và trách nhiệm phải thuộc về phụ huynh. Theo quy định của pháp luật, khi cha mẹ học sinh khi giao xe cho các em chưa đủ điều kiện, trách nhiệm của cha mẹ đến đâu sẽ xử lý đến đó. Nghị định 100 cũng đã đưa ra mức xử phạt và đối với những hành vi vi phạm mức độ rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến mức độ cao hơn theo quy định của Bộ luật Dân sự", ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ về tình trạng vi phạm luật giao thông ở lứa tuổi học sinh
Ông Lê Kim Thành khẳng định, gia đình và nhà trường đều có trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh. Đối với lực lượng chức năng, việc xử phạt đối các em học sinh hay phạt cha mẹ chỉ là bề nổi của vấn đề. Cần phải có những sự giáo dục thường xuyên, liên tục, từ nhà trường và gia đình. Phụ huynh sẽ là người trực tiếp giảng dạy về kỹ năng, kiến thức để tham gia giao thông an toàn cho con em mình. Khi học sinh vi phạm, cần có sự phối hợp thông tin từ gia đình, nhà trường và xã hội để nhà trường có biện pháp giáo dục phù hợp với tâm sinh lý và độ tuổi của các em. Từ đó, nâng cao ý thức cho học sinh, đặc biệt là lứa tuổi chưa đủ khả năng chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông ngay tại trường học. Sau 10 ngày qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền tới hơn 90.000 học sinh và giáo viên, yêu cầu ký cam kết chấp hành luật giao thông tới hơn 35.000 phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng triển khai mô hình cổng trường an toàn tại 30 trường trên địa bàn quận Ba Đình. Với mô hình này, lực lượng chức năng sẽ có mặt tại khu vực cổng trường vào các khung giờ đến lớp cũng như là tan trường. Qua đó, tổ chức phân luồng, tránh tình trạng xe đưa đón con của phụ huynh đỗ tràn xuống lòng lề đường. Từ đó, giúp giảm ùn tắc trước cổng trường và tạo con đường an toàn cho các em tới trường.
Tại Hà Nội, lực lượng chức năng sẽ có mặt tại khu vực cổng trường vào các khung giờ đến lớp, giờ tan trường
"Mô hình cổng trường an toàn giao thông cho thấy hiệu quả rất cao. Cụ thể, giao thông đã trật tự hơn, ít ùn tắc, ít va chạm và học sinh, phụ huynh, nhà trường, chính quyền cũng rất ủng hộ mô hình này. Đây là một tín hiệu rất tích cực để bảo đảm an toàn ở khu vực trường học. Hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành hướng dẫn để tổ chức giao thông ở cổng trường. Trên cơ sở đó, đã giao cho các cơ quan chức năng là Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải của các địa phương rà soát cổng trường học, trường học trên khu vực, tuyến quốc lộ và tuyến huyện lộ để bố trí biển báo giao thông, đèn tín hiệu, gờ giảm tốc,… để cho cổng trường an toàn hơn, phù hợp với đặc điểm và vị trí của từng từng khu vực", ông Thành cho biết thêm.
Lực lượng chức năng xử phạt những trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông
Cũng theo ông Thành, mô hình cổng trường an toàn và kêu gọi phụ huynh, học sinh ký cam kết là chưa đủ, bởi đó chỉ là bước đầu và nếu không thực hiện sẽ không có hiệu quả. Cần có sự đôn đốc, giám sát từ nhà trường, xã hội và thường xuyên đưa các nội dung này vào các cuộc họp phụ huynh, giờ chào cờ, sinh hoạt lớp dưới các hình thức đơn giản nhưng hiệu quả. Từ đó, hình thành nề nếp, thói quen và sự tôn trọng pháp luật của em học sinh trong việc tham gia giao thông. Tính cách, tâm lý của các em còn non nớt, vì vậy nhà trường và phụ huynh cần có biện pháp giáo dục nhẹ nhàng nhưng phù hợp và hiệu quả.
Ông Thành cho biết, theo báo cáo của lực lượng cảnh sát giao thông tập hợp hàng tháng, hàng quý để báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc, vẫn còn hiện tượng tụ tập, đua xe trái phép và chống người thi hành công vụ. Đây là những hành động đáng lên án, bởi hành vi này không chỉ gây ra tổn thất, tai nạn cho chính học sinh mà còn gây ra tai nạn cho người khác. Các lực lượng chức năng cần làm mạnh, kiên quyết để không còn tình trạng đua xe trái phép và chống người thi hành công vụ.
Tình trạng tụ tập, đua xe trái phép và chống người thi hành công vụ vẫn còn tồn tại
Ông Lê Kim Thành cho rằng, một người 15 tuổi, 364 ngày không khác biệt nhiều về nhận thức và tâm lý so với người 16 tuổi, vì vậy chỉ dựa vào độ tuổi để đảm bảo an toàn giao thông khi lái xe trên đường là chưa đủ. Điều quan trọng là phải đi kèm với kiến thưc về trật tự, an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn. Những kiến thức và kỹ năng này cần được cung cấp qua hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục các em, để các em không chỉ nắm vững kỹ năng mà còn trở thành những tấm gương mẫu mực về việc tham gia giao thông an toàn.
"Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể cho từng bộ, ngành, đặc biệt là cho các địa phương, cùng với chuyên đề của Bộ Công an và lực lượng cảnh sát giao thông. Đây sẽ là giải pháp bền vững để giảm thiểu tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh. Đồng thời, cần kiên trì phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng để phục vụ việc đưa đón học sinh. Các em luôn coi cha mẹ và người lớn là những hình mẫu. Do đó, đối với các công chức, viên chức, người lao động, đảng viên trong các tổ chức xã hội và chính trị, cần tiếp tục làm gương trong việc tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn giao thông và kiên quyết không giao xe cho con em mình khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là: chúng ta phải nói không với việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông", ông Lê Kim Thành đề xuất.
Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về giao thông, tai nạn giao thông liên quan tới nhóm tuổi này vẫn là một vấn đề nhức nhối, là nỗi lo của toàn xã hội. Tuyên truyền có ngăn chặn, có xử phạt có nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Có lẽ cách hiệu quả nhất vẫn là ý thức, đừng để sự buông lỏng giáo dục từ phía nhà trường. Sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình khiến cho tình trạng thanh thiếu niên vi phạm luật giao thông cứ mãi tiếp diễn bởi nó đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của chính các em, những chủ nhân tương lai của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!