Các chuyên gia khuyến cáo mùa đông này nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát, cần chủ động phòng ngừa.
Tại chương trình tư vấn trực tuyến "Diễn biến mới của dịch cúm mùa thu đông, cảnh báo nguy cơ cho trẻ em và người lớn" do Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp với Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu Thế giới ABBOTT và Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng vào tối 21/10, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng của cúm vào thời điểm cuối năm, chủ động tiêm ngừa sớm để tránh mắc cúm, nhất là ở những nhóm người có nguy cơ cao.
Bệnh cúm đang bất thường và nguy hiểm
Việt Nam hiện đang lưu hành 4 chủng cúm nguy hiểm và thường gặp nhất là A/H1N1, A/H3N2 song song với các chủng cúm B/Yamagata, B/Victoria. Về mặt dịch tễ học, cúm vẫn lưu hành xen kẽ các chủng với nhau chứ không đơn lẻ. Có thể tùy mùa hoặc tùy năm mà cúm A có thể trội hơn cúm B. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các chủng cúm này đang xuất hiện đan xen với nhau.
PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh, TP Hồ Chí Minh cho biết, cúm thường bùng phát mạnh vào mùa thu đông, đặc biệt là vào mùa đông do nhiệt độ thấp thuận lợi. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia ở vùng nhiệt đới nên cúm tồn tại quanh năm mà minh chứng là ngay trong các tháng mùa hè năm nay, đã xuất hiện dịch cúm. Các tỉnh miền Bắc đang vào mùa lạnh và miền Nam đang chuẩn bị vào mùa mưa nên những tháng cuối năm sẽ là thời gian người dân cần cảnh giác với dịch cúm. Một lý do nữa là những lễ hội, tất niên, sinh hoạt cộng đồng tăng cao vào cuối năm cũng sẽ khiến cúm dễ dàng lây nhanh hơn.
Bệnh cúm dễ dàng lây qua đường không khí với khoảng cách đến 2m. Virus cúm có thể tồn tại đến 48 giờ trong những môi trường thích hợp. Thậm chí, ở điều kiện 0 độ C, virus cúm tồn tại đến 30 ngày.
Ai dễ mắc cúm và biến chứng khi mắc cúm?
PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh, Hà Nội cho biết, bệnh cúm lây truyền rất nhanh nên mỗi người có thể bị cúm ít nhất một lần trong đời. Bệnh cúm với những biến chứng nặng thường xuất hiện ở những nhóm người có nguy cơ cao. Đó là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi vì chưa được tiêm vaccine cúm; trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai…
"Trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu có bệnh nền như tim bẩm sinh, giãn phế quản thì nguy cơ biến chứng do mắc cúm tăng lên gấp 6 lần so với những trẻ khỏe mạnh, bình thường khác", PGS. Chu Thị Hạnh nói.
Người trên 65 tuổi dễ mắc cúm vì hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian và do tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ như khói bụi, rượu bia, thuốc lá… Người có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, COPD, hen suyễn, tăng huyết áp… dễ mắc cúm vì hệ hô hấp vốn đã bị tổn thương, cơ chế bảo vệ của niêm mạc đường thở đã bị suy giảm nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm xâm nhập dễ dàng. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ biến chứng do mắc cúm ở nhóm người bệnh nền tăng từ 2 - 5 lần so với các nhóm người khác.
Virus cũng gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ, có thể dẫn đến các bệnh lý bẩm sinh cho thai nhi, bất thường bẩm sinh như sinh non, nhẹ cân và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Ngoài ra, người bị thừa cân, béo phì với các bệnh lý tiềm ẩn chưa được phát hiện cũng là nhóm có nguy cơ gặp biến chứng khi mắc cúm.
PGS.TS.BS Trần Quang Bính - Giám đốc chuyên môn, Hệ thống BVĐK Tâm Anh khuyến cáo người dân, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao cần chủ động phòng ngừa cúm ngay thời điểm này.
Làm sao để phòng ngừa biến chứng do cúm gây ra?
BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, ngoài biện pháp cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh nhà cửa… thì tiêm vaccine cúm là cách phòng ngừa cúm hữu hiệu nhất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hiệp hội sức khỏe trên thế giới đều đưa các khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm càng sớm càng tốt cho các nhóm người dễ gặp biến chứng khi mắc cúm.
"Phụ nữ có ý định mang thai nên sớm tiêm vaccine cúm. Nếu tiêm sớm, vaccine cúm sẽ bảo vệ suốt quá trình mang thai. Nếu như chưa tiêm, phụ nữ mang thai vẫn tiêm được vaccine cúm trong thai kỳ vì đây là vaccine bất hoạt, an toàn cho thai phụ. Tuy nhiên, VNVC khuyến cáo vaccine cúm nên tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ để có thể phòng bệnh cho mẹ và cả con trong những tháng đầu đời", BS Nguyễn Lê Nga khuyến cáo.
PGS Trần Quang Bính cho biết, người có bệnh tiểu đường tiêm vaccine cúm giúp giảm ít nhất 52-58% các biến chứng nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong. Đây là nhóm người hay mắc nhiều bệnh và đa phần bệnh nặng là do đường huyết cao gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch, từ đó giảm khả năng thu hút bạch cầu để chống lại vi khuẩn, virus. Đường huyết cao cũng gây rối loạn các nội mô, từ đó làm xuất hiện nhiều biến chứng.
Trẻ em và người lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hằng năm để duy trì miễn dịch bảo vệ tốt nhất.
Virus cúm gây bệnh chủ yếu ở đường hô hấp nhưng lại có thể gây bệnh nặng hơn cho người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành, tiềm tàng nguy cơ suy tim. Khi virus cúm tấn công hệ hô hấp làm tổn thương phổi dẫn đến tình trạng thiếu oxy gây rối loạn chuyển hóa, tắc mạch gây đông máu, làm trầm trọng hơn các bệnh lý tim mạch. "Vì vậy, theo khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu, người mắc bệnh tim mạch nên tiêm ngừa cúm hàng năm. Vaccine cúm có thể giúp giảm từ 18 - 20% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gây ra", PGS Trần Quang Bính chia sẻ.
Các chuyên gia cũng cảnh báo một số quan điểm sai lầm khi phòng cúm như để trẻ mắc cúm tự nhiên để tạo kháng thể. Virus cúm thay đổi các kháng nguyên hàng năm, nếu để trẻ mắc cúm tự nhiên, trẻ vẫn tạo ra được kháng thể nhưng chỉ bảo vệ trẻ khỏi chủng cúm đang mắc. Trẻ vẫn mắc bệnh cúm gây ra bởi các chủng virus cúm khác, có thể gặp các biến chứng nặng hoặc trở thành nguồn lây cho người thân trong gia đình và cho cộng đồng.
Chia sẻ về cách phòng tránh cơn kịch phát hen suyễn vào các tháng mùa lạnh, PGS Chu Thị Hạnh cho biết, người bệnh phải hoàn toàn tuân thủ điều trị dự phòng hen do bác sĩ chuyên khoa hô hấp chỉ định. Việc tuân thủ điều trị giúp kiểm soát hen, kể cả khi đến vùng có không khí lạnh. Đồng thời nên giữ ấm khi ra đường, tránh để bị lạnh đột ngột vì đây là một yếu tố khởi phát cơn hen cấp. Ngoài ra, Sáng kiến toàn cầu về bệnh hen - GINA khuyến cáo nên tiêm vaccine để bảo vệ người bệnh hen. Các nghiên cứu đã cho thấy vaccine cúm giúp giảm nguy cơ xuất hiện các đợt hen cấp, do đó giảm nguy cơ tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!