Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức họp bàn với các bên để triển khai ngay Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được phê duyệt cách đây hơn một tuần. Điều đó cho thấy tính cấp thiết của đề án bởi thực trạng thoái hóa đất do các hoạt động nông nghiệp không bền vững đang ở mức báo động trong khi đây là tư liệu sản xuất đặc biệt, không thể tái tạo.
Việt Nam hiện có gần 120.000 ha đất nông nghiệp bị thoái hóa bao gồm đất bị suy giảm độ phì; bị xói mòn; sa mạc hóa; bị kết vón; bị mặn và phèn hóa. Diện tích đất có mức chất lượng thấp chiếm khoảng 12% so với tổng diện tích đất tự nhiên. Theo các nhà khoa học, đất là một thực thể sống nhưng lâu nay việc lạm dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kéo dài đã làm cho cấu trúc đất bị phá vỡ.
Ông Trần Minh Tiến - Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Đất diễn biến xấu đi rất chậm, phục hồi rất khó, nếu không cảnh báo từ bây giờ thì hậu quả rất nặng nề".
Sớm hình thành bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng 25 loại đất
Hội nghị triển khai đề án nâng cao sức khỏe đất đã nhận được nhiều ý kiến quan trọng. Khái niệm đất khỏe đã được làm rõ. Các nhà khoa học cho biết, cần có quy định về thành phần sinh vật phải có trong đất canh tác. Bên cạnh đó, phân bón cũng phải hướng đến hình thành thế hệ phân bón thông minh, cải tạo đất.
Cây lúa lấy từ đất hơn 14 nguyên tố dinh dưỡng, nhưng tập quán nông dân chỉ bón phân NPK canh tác ba vụ liên tiếp là nguyên nhân suy giảm độ phì của đất. Vì thế, việc sớm hình thành bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng 25 loại đất để làm công cụ phân loại đánh giá, từ đó có giải pháp dinh dưỡng phù hợp là việc đầu tiên khi triển khai đề án.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Cơ sở tiêu chí đó phải nâng cao được năng lực của phòng thí nghiệm, giúp cho Bộ đi tập huấn toàn bộ, từ đó cải thiện quy trình canh tác, bổ sung loại dinh dưỡng nào. Bộ cũng đang cố gắng tập trung nguồn lực, kể cả về mặt tài chính".
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nêu nhận định: "Chúng ta sẽ chuẩn hóa toàn bộ quy trình canh tác đối với từng loại cây trồng, từng loại chất đất, để làm sao giảm thiểu tối đa các chi phí đầu vào, đặc biệt là sử dụng hợp lý các loại phân bón".
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, trước đó, với việc thực hiện đề án về phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, quản lý dinh dưỡng cây trồng, hiện mức sử dụng phân bón hữu cơ đã tăng lên gần 3 triệu tấn. Trên cơ sở khung pháp lý của đề án nâng cao sức khỏe đất, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống nhân lực khoa học chuyên về đất và bác sỹ đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!