Từ khi xảy ra sự cố cây phượng cổ thụ bị đổ ở trường THCS Bạch Đằng, đè lên 18 học sinh, rất nhiều nơi đã cắt cụt cây phượng, thậm chí chặt bỏ.
Ngay tại trường Đại học Nông lâm TP.HCM, nhiều cây phượng cũng bị cắt cụt với hình dáng bất thường khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối và để lộ thêm về việc quản lý, trồng và chăm sóc cây.
Tại một giảng đường có tên Phượng Vỹ nhưng hiện nay, rất nhiều cây phượng đã bị cắt cụt. Đây cũng là những hình ảnh gây tranh cãi trong vài ngày qua, khi mà cây phượng bị cắt với hình dạng lơ lửng tại một trường đại học nổi tiếng về đào tạo trồng và phát triển cây xanh. 6 cây phượng có tuổi đời vài chục năm đã bị cắt cụt làm cho sinh viên của trường ngỡ ngàng.
Các cây phương trước giảng đường Phượng Vỹ giờ chỉ còn hình dáng trơ trụi.
Đại diện trường Đại học Nông Lâm cho biết, những cây phượng bị cắt cụt đều có tuổi đời trên 30 năm. Việc cắt tỉa cây là theo kế hoạch hàng năm và cũng là để đảm bảo an toàn cho sinh viên trong mùa mưa bão. Trả lời về hình dáng lạ kỳ của cây, đại diện nhà trường lý giải đó là cắt thăm dò xem mức độ mục rỗng của cây. Nhà trường mới chỉ cắt bỏ 2-3 cây phượng trong tổng số 1.000 cây sẽ tiến hành khảo sát trong đợt tới.
Việc chặt cây phượng cổ thụ đã được tiến hành ở nhiều trường học, trước lo ngại về nguy cơ mất an toàn kể từ khi sự cố cây phượng đổ đè chết học sinh.
Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam cho biết, trồng cây mà không chăm sóc theo dõi thường xuyên, quản lý không chặt chẽ, đụng chuyện là chặt, thể hiện việc thiếu giải pháp. Trong trường hợp này, câu khẩu hiệu "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" được gắn ở các trường học liệu có còn nguyên giá trị?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!