Các chuyên gia tư vấn trong chương trình.
Thông tin trên vừa được chia sẻ tại chương trình Tư vấn trực tuyến: "Ngủ ngáy: Chẩn đoán, điều trị bằng kỹ thuật hiện đại" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức tối ngày 20/6. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực hô hấp và tai mũi họng đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh, ThS.BS Phùng Thị Thơm, ThS.BS Dương Đình Lương.
Ngủ ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ do sự rung động của các mô mềm ở vòm họng. m thanh dao động từ rất nhỏ cho đến tiếng ồn đủ lớn để ảnh hưởng người xung quanh. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, người lớn tuổi; béo phì; có sử dụng rượu hoặc thuốc an thần; nghẹt mũi mạn tính hoặc tắc nghẽn; hàm nhỏ; có các cấu trúc bất thường về đường mũi họng như amidan lớn, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, lưỡi to, vòm khẩu cái mềm mở rộng, hẹp hầu bên,... có nguy cơ cao bị ngủ ngáy.
Theo TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ngủ ngáy có thể vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe cần điều trị, trong đó có hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Tình trạng này xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí đi vào phổi, gây giảm bão hòa oxy máu. Thời gian ngưng thở hoặc giảm thở thường kéo dài trên 10 giây, sau đó là kích thích và thở gấp.
Ngủ ngáy do OSA được xem là "sát thủ thầm lặng". Không chỉ gây suy giảm chất lượng cuộc sống, giảm hiệu suất công việc, tình trạng giảm oxy trong máu có thể gây ra nhiều hệ lụy: mệt mỏi sau ngủ dậy, đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ, suy giảm khả năng tình dục, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa và ung thư. Người ngủ ngáy có nguy cơ gặp tai nạn giao thông hoặc sinh hoạt nhiều hơn gấp 6-7 lần so với người không có ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Thậm chí, người mắc hội chứng này có thể bị đột tử trong đêm.
Theo TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh, ngủ ngáy có ngưng thở khi ngủ là tình trạng bệnh lý nguy hiểm.
Ước tính có khoảng 75% người ngủ ngáy có ngừng thở khi ngủ, nhưng chỉ khoảng 9-10% trong số đó được chẩn đoán và điều trị. Lý giải vấn đề này, ThS.BS Phùng Thị Thơm - Khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho rằng, do tiếng ngáy không dự báo được tình trạng ngưng thở khi ngủ nên dễ khiến người bệnh chủ quan. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh không được nhận biết sớm cho đến khi tiếng thở hoặc tiếng ngáy bất thường khiến người ngủ cạnh chú ý. Nhiều triệu chứng OSA có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra như bệnh lý tai mũi họng, dị hình cấu trúc vùng mũi họng... Vì vậy, tình trạng này không thể được chẩn đoán nếu chỉ dựa vào các triệu chứng.
Ngoài thực hiện một số xét nghiệm; kiểm tra mũi, họng, cổ của người bệnh; bác sĩ sẽ thực hiện nghiên cứu giấc ngủ để chẩn đoán nguyên nhân gây ngáy, mức độ nghiêm trọng của ngủ ngáy.
Theo bác sĩ Thơm, đo đa ký hô hấp hay đa ký giấc ngủ được xem là "phương pháp vàng" giúp chẩn đoán nguyên nhân ngủ ngáy, đặc biệt là phát hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ. Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, máy đo đa ký hô hấp Alice NightOne (Philips Respironics – Mỹ) hiện đại giúp bệnh nhân hoàn thành kiểm tra hô hấp chỉ trong một đêm. Dựa trên các chỉ số điện não đồ; nhãn cầu đồ; điện cơ; điện tim; lưu lượng dòng khí qua mũi miệng; vận động cơ ngực, bụng; nồng độ oxy bão hòa trong máu; cường độ và âm lượng tiếng ngáy; xác định vị trí tư thế cơ thể; đo cử động chân,... tích hợp video theo dõi diễn biến trong đêm, bác sĩ dễ dàng xác định được chỉ số ngưng thở, giảm thở khi ngủ trong vòng 1 giờ (AHI). Từ đó, đưa ra đánh giá về mức độ ngưng thở khi ngủ và xây dựng phác đồ điều trị thích hợp.
Nếu chỉ số AHI từ 5 trở lên, kèm theo các dấu hiệu ngủ ngày quá nhiều; ngáy to nhưng có ngắt quãng bởi tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở; nhức đầu vào buổi sáng sau khi thức dậy; khô miệng; ngủ không yên giấc, hay thức giấc giữa đêm; tiểu đêm; giảm tập trung… nghĩa là người bệnh có ngưng thở khi ngủ. Nếu chỉ số AHI từ 15 trở lên, hoặc AHI thấp nhưng người bệnh có kèm một số bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý mạch vành, bệnh phổi mãn tính như hen, COPD,... thì cần điều trị.
ThS.BS Phùng Thị Thơm cho biết, đo đa ký hô hấp là "phương pháp vàng" giúp chẩn đoán nguyên nhân ngủ ngáy.
Dựa vào căn nguyên gây hẹp đường thở, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp. Người bệnh có thể được chỉ định đeo dụng cụ hỗ trợ mở rộng đường thở như dụng cụ giữ lưỡi, thiết bị kéo xương hàm dưới,...
Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, điều trị ngủ ngáy có ngưng thở khi ngủ bằng máy thở áp lực dương liên tục CPAP mang lại hiệu quả cao. Thiết bị này duy trì áp suất dương không đổi ở đường hô hấp trên thông qua một mặt nạ nhỏ áp vào mũi hoặc mũi và miệng. Bằng cách tăng kích thước của đường hô hấp trên, CPAP giúp ngăn ngừa hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên trong khi ngủ. Dưới sự theo dõi chặt chẽ từ xa của bác sĩ, khoảng 97% người bệnh hết ngủ ngáy sau điều trị với máy thở kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học.
ThS.BS Dương Đình Lương - Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, một số trường hợp bệnh nhân không dung nạp với máy thở hoặc có các bất thường vùng mũi họng như phì đại amidan, lệch vách ngăn mũi, màn hầu thấp, khe họng hẹp, bất thường giải phẫu vùng hàm mặt ở trẻ có dị tật bẩm sinh,... thì cần phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện Plasma; nạo VA bằng hệ thống Coblator; tạo hình vùng hầu họng, lưỡi gà với sự hỗ trợ của Coblator và tia laser (LAUP)... đang được thực hiện thường quy tại BVĐK Tâm Anh, giúp điều trị khỏi ngủ ngáy trong những trường hợp này.
ThS.BS Dương Đình Lương chia sẻ những phương pháp phẫu thuật hiện đại điều trị ngủ ngáy.
Nếu ngủ ngáy đơn thuần không kèm mắc ngưng thở khi ngủ, người bệnh cần tập luyện thể thao đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý; từ bỏ các thói quen gây hại như hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng thuốc an thần; kê cao đầu, nằm nghiêng khi ngủ; điều trị triệt để các bệnh mũi xoang, bệnh lý ở miệng họng, hô hấp… để giảm ngáy.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có thuốc đặc trị tình trạng ngủ ngáy. Các loại thuốc truyền miệng chưa có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả. Vì vậy, người bệnh nên cân nhắc trước khi sử dụng. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể khiến các vấn đề về hô hấp, tai mũi họng tiến triển nặng, làm tăng tình trạng ngủ ngáy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!