Chiến lược nào đã giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong?

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 04/10/2021 06:56 GMT+7

VTV.vn - Những quyết định, điều chỉnh sát với tình hình thực tế trong từng giai đoạn đã giúp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có được tín hiệu tích cực trong phòng chống dịch.

Biến thể delta àm đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch

Nước ta đã bước sang tháng thứ 5 chiến đấu với dịch bệnh COVID-19. Nếu tính từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ tư vào cuối tháng 4 năm nay, so với những đợt dịch trước, đợt dịch này đã để lại những tác động rất nặng nề, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội.

Chúng ta đã trải qua nhiều thời điểm với những diễn biến dịch vô cùng phức tạp. Tỷ lệ mắc và tử vong liên tục ở mức cao, đòi hỏi cần phải có chiến lược chống dịch phù hợp với từng giai đoạn, thậm chí là từng thời điểm.

Chương trình Tọa đàm của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề "Chiến lược chống dịch" đã nhìn lại từng giai đoạn và phân tích chiến lược chống dịch trong tình hình mới.

Trong đợt dịch thứ tư xuất hiện biến thể delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh mạnh trong thời gian rất ngắn. Sự lây lan của biến thể này đã gây áp lực quá tải cho hệ thống y tế, làm đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch của thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Chiến lược nào đã giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong? - Ảnh 1.

Hàng nghìn ca COVID-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế. (Ảnh: Bộ Y tế)

Khởi đầu từ ngày 27/4, dịch bắt đầu lây lan ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng. Sau đó xuất hiện tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K khiến hai bệnh viện phải cách ly y tế kéo dài. Từ những chùm lây nhiễm đó, dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngày 12/6, Việt Nam cán mốc hơn 10.000 ca mắc COVID-19. Chỉ sau một tháng rưỡi, số ca tăng lên hơn 100.000 trường hợp. Gần 2 tháng sau vượt hơn 700.000 ca mắc.

Dịch tấn công nhiều tỉnh thành phố có mật độ dân cư cao là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, xâm nhập vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ trên phạm vi rộng.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, làn sóng dịch bắt đầu khi xuất hiện ca đầu tiên của chùm ca bệnh thuộc nhóm truyền giáo ở quận Gò Vấp. Từ ngày 31/5, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15. Ngày 9/7, bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đến 23/8, Thành phố tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội.

Chiến lược nào đã giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong? - Ảnh 2.

Các chiến sĩ đội trao thực phẩm thiết yếu cho người dân (Ảnh minh họa: Dân trí)

Trước đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh phức tạp khó lường, trên tinh thần vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại đồng loạt 19 tỉnh thành phía Nam từ ngày 19/7. Một quyết định đầy khó khăn nhưng cấp thiết để giảm tốc độ lây lan của dịch.

Với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", đây cũng là lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên toàn TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn với các biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp.

Quá nhiều ca F0 khiến hệ thống y tế quá tải. Trước tình trạng quá nhiều ca chuyển nặng và tử vong, lực lượng y tế gần 20.000 người đã vào hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Những điều chỉnh mang tính quyết định tại TP Hồ Chí Minh

Những chỉ đạo bao quát và có tầm nhìn sát với tình hình thực tế của Chính phủ trong từng giai đoạn và từng thời điểm, từng mốc thời gian đã giúp cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam có được những tín hiệu tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Số ca mắc mới trên cả nước đã giảm đáng kể. Số ca tử vong cũng giảm tương ứng.

Về những điều chỉnh trong chiến lược chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Trong giai đoạn này, chúng ta đã áp dụng những biện pháp hết sức quyết liệt trên tinh thần chỉ đạo từ các hệ thống chính trị đến các Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở Trung ương các địa phương và đặc biệt là ngành y tế cũng đã vào cuộc hết sức nhanh và quyết liệt từ giai đoạn đầu. Đầu tiên đó là việc cách ly đối với những người đã phát hiện là F0 ở trong cộng đồng. Việc cách ly này cũng đã thực hiện hết sức linh hoạt, có thể cách ly tại các khu tập trung, cách ly y tế một vùng dân cư và chúng ta cũng đã triển khai các cách ly F0 tại nhà khi mà số lượng F0 tăng nhanh, đặc biệt ở tại TP Hồ Chí Minh".

Chiến lược nào đã giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong? - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, chiến lược về xét nghiệm diện rộng đã được triển khai một cách hết sức quyết liệt. Từ thời đầu dịch ờ TP Hồ Chí Minh và các địa bàn khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và sau này là Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ ở 19 tỉnh thành phía Nam cũng đã tổ chức chỉ đạo chiến lược xét nghiệm này trên nguyên tắc là thần tốc, khoa học, hiệu quả, hợp lý.

Bên cạnh tổ chức công tác phòng chống dịch, việc thực hiện chương trình tiêm chủng vaccine ưu tiên đối với những địa phương có dịch và những đối tượng được ưu tiên đã được triển khai một cách hết sức nhanh chóng.

"Chúng ta không để phí một liều vaccine nào và tất cả mọi loại vaccine đều cấp phép sớm đưa vào sử dụng trên nguyên tắc "vaccine hiệu quả nhất là vaccine sớm nhất" - PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Chiến lược nào đã giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong? - Ảnh 4.

Về quyết định mang tính bước ngoặc để giảm tỷ lệ tử vong ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh về chỉ đạo của Thủ tướng: "Xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ và chiến thắng COVID-19 là chiến thắng của nhân dân".

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: "Chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội rất tốt trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, chiến dịch xét nghiệm diện rộng đã được thực hiện hết sức quyết liệt ở trong từng thời kỳ một và đúng trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta đã thực hiện cố gắng để làm sao xét nghiệm phát hiện các trường hợp F0 đi trước sự lây lan của virus. Với vùng đỏ, vùng cam, chúng ta xét nghiệm từ 2 ngày/lần. Đối với vùng xanh, vùng vàng thì chúng ta xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp bằng test nhanh hoặc bằng PCR. Đây có lẽ cũng là mấu chốt để giảm tỷ lệ tử vong tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trong thời gian vừa qua".

"Chúng ta đã phát hiện sớm F0, tổ chức chăm sóc y tế, tổ chức các gói an sinh xã hội cũng như các gói thuốc để cho người bệnh có thể tự theo dõi điều trị ở nhà. Chúng ta cũng đã xây dựng mô hình điều trị 3 tầng hết sức hiệu quả với các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện của tỉnh thành phố tầng 2 và các đơn vị thu dung điều trị F0. Chúng ta tạo nên được sự liên kết giữa các tầng với nhau".

Chiến lược nào đã giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong? - Ảnh 5.

Mô hình điều trị 3 tầng

"Chúng tôi ở trong TP Hồ Chí Minh cũng đã phân cho các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 trách nhiệm phải liên kết với cả các bệnh viện ở tầng dưới tạo nên một hệ thống bệnh viện "chị em". Tức là luôn luôn có sự trao đổi, sự hội chẩn, tập huấn đào tạo, cũng như chi viện hết sức kịp thời để giúp cho chúng ta có thể phát hiện những trường hợp bệnh nặng ở các tuyến dưới đưa lên các tuyến trên. Như vậy góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong ở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực miền Nam nói chung trong thời gian vừa qua" - PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

TP. Hồ Chí Minh: Đã có 214.133 bệnh nhân xuất viện, hơn 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm TP. Hồ Chí Minh: Đã có 214.133 bệnh nhân xuất viện, hơn 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm

VTV.vn - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, đến sáng 3/10, thành phố đã có 214.133 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước