Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở các khu công nghiệp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 24/05/2021 19:03 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Ban Quản lý các KCN, KCX cần phối hợp chặt chẽ với người quản lý doanh nghiệp triển khai biện pháp sẵn sàng ứng phó với COVID-19.

Tăng cường các biện pháp phòng dịch, triển khai thêm các phương án giãn cách là các nội dung được đưa ra tại cuộc họp của UBND thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trưa 24/5. Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã có 7 ca mắc COVID-19, trong đó có ổ dịch chưa xác định được nguồn lây.

Theo đánh giá của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, chỉ sau 10 ngày làn sóng COVID thứ 4 tại Việt Nam, mỗi ngày số ca nhiễm ở Việt Nam đã tăng từ 2 con số lên 3 con số. Đây là điều đáng lo ngại nhất là khi các ca lây nhiễm xảy ra chủ yếu ở các khu công nghiệp, chiếm hơn 66%. Do đó, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh phải được tiến hành quyết liệt và phải thực hiện khai báo y tế. Tuy nhiên, ở mỗi lĩnh vực phải có cách kiểm soát riêng phù hợp, nhất là đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh, nơi có lượng người làm việc đông đảo.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở các khu công nghiệp - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP vào trưa 24/5. (Ảnh: Trung tâm báo chí)

"Nghiên cứu điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ làm việc vào buổi sáng và giờ tan ca cuối chiều để giảm người tụ tập quá đông vào một thời điểm. Như hôm trước, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất có đề xuất phải phối hợp tổ chức diễn tập phương án ứng phó tình huống xảy ra dịch bệnh tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao", ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Còn ở lĩnh vực giao thông vận tải, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh việc kiểm soát hoạt động của loại hình xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ thông qua hình thức khai báo y tế, để nếu xảy ra trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh thì dễ dàng truy vết. Tuy nhiên, việc giám sát đối với xe ôm công nghệ khá dễ dàng thì xe ôm truyền thống lại là một thách thức.

Ngoài làm tốt công tác ngày đêm xét nghiệm, nhanh chóng truy vết như đã thực hiện trong thời gian vừa qua, lãnh đạo TP cũng nhấn mạnh các phương án phòng dịch đề ra sẽ không bao giờ thừa, bởi chỉ cần một quán ăn có người nhiễm đã tạo ra chuỗi lây nhiễm. Đó là lý do tại sao TP Hồ Chí Minh buộc phải quyết liệt tạm ngừng hoạt động các quán ăn nhỏ và chỉ cho phép bán mang đi.

Liên quan đến ổ dịch tại quận 3 là một cửa hàng ăn uống, lãnh đạo thành phố nhận định đây là ổ dịch phức tạp. Do các ca F1 đều xét nghiệm lần 2 mới cho kết quả dương tính. Nguyên nhân nghi ngờ xuất phát từ ổ dịch từ Đà Nẵng đã được loại bỏ do thành viên trong gia đình đi Đà Nẵng từ cuối tháng 2 và người này có kết quả âm tính. Chủ quán có lịch sử tiếp xúc rất nhiều người và không thể xác định được do quán không có camera. Đến sáng nay, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố đã xác nhận thêm 1 ca mắc liên quan đến ổ dịch này là một bênh nhân 18 tháng tuổi.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết sẵn sàng các phương án cách ly tập trung cho 30.000 người. Đây chỉ là những sự chuẩn bị để không bị động trong các tình huống dịch bệnh.

Hiện TP Hồ Chí Minh đã có 2 khu cách ly tập trung của quân đội, 5 khu cách ly cấp thành phố, 23 khu cách ly cấp quận, huyện và 42 khách sạn cách ly có thu phí với tổng công suất gần 10.500 giường.

Để chủ động, thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các cơ sở cách ly tập trung với tổng công suất hơn 19.500 giường. Khi đó, thành phố có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước