Chỉ cách đây ít ngày, Việt Nam cùng với 174 quốc gia thuộc LHQ tham gia vòng đàm phán thứ 2 Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa. Việt Nam cũng đang trong những bước chuẩn bị để thực thi những chính sách giảm rác nhựa, chống ô nhiễm nhựa.
Phân loại rác được coi là chính sách hàng đầu giảm rác nhựa. Nhưng hiện nay, rác sau phân loại chủ yếu tận dụng bán phế liệu. Còn điểm đến của phần lớn rác nhựa như túi nylon, hộp xốp, vỏ bao bì là các bãi chôn lấp. Thực tế này là tất yếu khi địa phương chưa có nhà máy xử lý, tái chế rác nhựa.
Việc phân loại rác dù đã được triển khai ở nhiều địa bàn, với nhiều đối tượng, tuy nhiên, phân loại rác nhưng chưa đồng bộ được với giải pháp tái chế đang là vấn đề của tỉnh Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước.
Để giảm rác nhựa, Việt Nam sẽ phải thực thi đồng bộ giải pháp để phân loại rác thành công. Song song với đó là áp dụng mô hình EPR, tức là nhà sản xuất phải có trách nhiệm từ khâu đưa sản phẩm ra môi trường, mở rộng tới khi xử lý xong rác thải từ bao bì của sản phẩm đó.
Từ đầu năm 2024, nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì sản phẩm. Đến hết năm 2024, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải phân loại rác. Đây là những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!