Hôm nay là Ngày Môi trường Thế giới. Chủ đề năm nay là "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa". Rác thải nhựa vẫn đang là vấn đề lớn nhất được quan tâm trên toàn cầu, với sản lượng nhựa tăng gấp đôi trong vòng 20 năm.
Ở Việt Nam, phong trào chống rác thải nhựa đã được phát động từ gần 5 năm trước. Nhưng cuộc chiến với rác nhựa vẫn gặp nhiều khó khăn, từ kêu gọi, vận động và ban hành chính sách.
Cách đây ít ngày, Việt Nam cùng với 174 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc tham gia Phiên đàm phán thứ hai của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. 3 mảng hành động chính là tái sử dụng, tái chế và thay thế bao bì nylon, hộp nhựa bằng các vật liệu khác.
Đàm phán thỏa thuận quốc tế chống ô nhiễm nhựa
Tình trạng ô nhiễm nhựa lên mức đáng báo động. Sản lượng nhựa từ 234 triệu tấn vào năm 2000 đã tăng lên thành 460 triệu tấn vào năm 2019. Chỉ 9% lượng nhựa thải ra được tái chế.
Tại vòng đàm phán lần này, các nước đã xem xét một loạt biện pháp như: ban hành lệnh cấm quy mô toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, áp dụng nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" và hạn chế sản xuất nhựa mới. Trong quá trình đàm phán, nổi lên sự đối đầu giữa 2 quan điểm. Một bên là chủ trương bảo vệ ngành công nghiệp hóa dầu, nên ủng hộ tái chế như một giải pháp cho rác thải nhựa. Và một bên là các quốc gia muốn cắt giảm mạnh sản xuất, sử dụng nhựa với mục tiêu chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa trước năm 2040. Theo kế hoạch, có 5 vòng đàm phán để các bên thống nhất về một thỏa thuận chính thức chống ô nhiễm nhựa.
Bây giờ, ô nhiễm nhựa không khác gì một tai họa. Nhiều sản phẩm nhựa tồn tại trong môi trường từ 450 năm đến 1000 năm. Rác nhựa hủy hoại hệ sinh thái. Hạt vi nhựa được phát hiện cả trong máu và tế bào con người.
28 địa phương có biển trên cả nước được coi là trọng tâm của nhiều dự án giảm rác nhựa nhưng mới chỉ có một số dự án được triển khai tại các bãi biển du lịch, khu bảo tồn biển. Còn ở đa số cảng cá, chợ cá dọc đường bờ biển vẫn bị ô nhiễm rác thải nhựa. Nỗ lực thu gom của một số nhóm tình nguyện viên và các phong trào chỉ như muối bỏ bể.
Rác nhựa bủa vây chợ cá Quảng Nam
Bờ kè xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam Nơi neo đậu tàu thuyền và cũng là nơi neo đậu của rác
Một đoạn bờ kè chưa đầy 1km nhưng ẩn sâu dưới lớp nước trong vắt là hàng tấn rác.
Rác đến từ đâu, chẳng ai biết. Rác nếu có được dọn sạch thì dường như cũng ít người quan tâm. 5 năm trước, anh Nguyễn Văn Long (Hội An, Quảng Nam) và các tình nguyện viên của Hội An cleanup đã mất 1 tháng liên tục để dọn sạch bờ kè này. Ấy thế mà, giờ đây, quang cảnh như chưa từng có sự ra quân này.
Thực tế tại khu vực phía trong chợ cá An Lương, các cơ quan quản lý và chức năng đã làm đúng trách nhiệm. Rác được gom ở nơi quy định nhưng rất tiếc, lượng rác thu gom được trong chợ không đáng kể. Trong khi thùng rác ở đây được rửa sạch úp khô thì ngoài kia rác vẫn đang theo từng con nước tràn ra phía biển.
Để quản lý, xử lý rác thải nhựa hiệu quả, theo các chuyên gia về môi trường, cuối nguồn sẽ quyết định những hành động ở đầu nguồn. Nói nôm na là muốn xử lý được rác nhựa, mỗi địa phương phải có cơ sở xử lý các loại rác nhựa, từ đó mới quyết định việc phân loại rác thành bao nhiêu loại. Mà đây là việc tất cả địa phương phải thực hiện trong vòng 1 năm rưỡi nữa. Dù đã có một số nơi thực hiện phân loại rác nhưng mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giải quyết triệt để rác nhựa.
Quản lý, xử lý rác thải nhựa thiếu đồng bộ
Từ các mô hình thí điểm đầu tiên vào năm 2018, đến nay việc phân loại rác đã được người dân thành phố Tân An, tỉnh Long An hào hứng triển khai.
Trung bình mỗi năm, cả nước lượng rác hữu cơ thu gom được vào khoảng 980 tấn. Rác hữu cơ lẫn tạp chất là nguồn nguyên liệu tốt cho sản xuất phân bón hữu cơ. Nhưng rất tiếc đến nay lượng rác này lại đang bị ùn ứ do khâu xử lý tiếp theo chưa đồng bộ.
Chuyện rác phân loại chưa được xử lý cũng xảy ra tương tự ở nhiều khu vực của TP Huế. Được tài trợ 156 bộ thùng lưu chứa rác phân loại, thành phố bỏ thêm kinh phí để lắp 150 bộ thùng nữa. Ấy vậy mà một số loại rác sau khi được phân loại cũng chưa được xử lý hiệu quả, mới chỉ có một số loại rác nhựa giá trị thấp và thủy tinh là được tái chế.
Nếu rác được phân loại mà không có cơ sở xử lý, tái chế rác thải sau phân loại thì rác nhựa sẽ vẫn là rác, không thể trở thành tài nguyên.
Ý kiến về định mức chi phí tái chế rác
Việt Nam đang quản lý rác thải nhựa theo mô hình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Đây là tập hợp nhiều công cụ chính sách hỗ trợ quản lý chất thải rắn hiệu quả. Theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất không dừng ở việc đưa sản phẩm ra thị trường mà còn mở rộng đến giai đoạn tiêu hủy nó. Mô hình này dựa trên nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền. Năm sau quy định bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Dự thảo ban hành định mức chi phí tái chế (gọi tắt là Fs). Tuy nhiên,14 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng dự thảo chưa hợp lý và đang cao hơn so với định mức trung bình của các nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!