Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói về bệnh bạch hầu. Ảnh: HL/PLO.
Ca bệnh vừa phát hiện gần đây nhất là một phụ nữ sinh năm 1968, dân tộc M’Nông, ngụ tại huyện Lắk. Theo lời bệnh nhân, trước và trong thời gian mắc bệnh, người này không đi đâu xa, không tiếp xúc với bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạc hầu nào. Còn tại tỉnh Đắk Nông, đến nay, cả 3 ổ dịch tại tỉnh vẫn chưa tìm được nguồn lây ban đầu F0.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia Nhi đồng 1, TP.HCM, bạch hầu là bệnh kinh điển và trong cộng đồng luôn có những người lành mang trùng. Với cơ chế lây bệnh qua đường hô hấp, người bình thường có thể không có triệu chứng nhưng trong cổ họng của họ vẫn có thể chứa vi khuẩn bạch hầu. Nếu cộng đồng xung quanh người lành mang trùng đó có hệ miễn dịch tốt thì vi khuẩn bạch hầu không sinh sôi nảy nở được. Tuy nhiên, nếu gặp cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine quá thấp thì bệnh có điều kiện thuận lợi để lây lân. Cho nên "việc tìm ra hay không nguồn lây đầu tiên – F0 của bệnh bạch hầu không quan trọng".
"Mình chỉ cần biết là xung quanh khu vực phát hiện có bao nhiêu người mang mầm bệnh là đủ rồi. Và những người mang mầm bệnh đó mình cho uống kháng sinh. Sau đó, tìm hiểu thêm về độ phủ chích ngừa ở đây như thế nào để chích vét rồi khuyên những người ngoài độ tuổi tiêm chủng mở rộng đi chích ngừa lại. Đó là cách tốt nhất để kiểm soát nguồn bệnh bạch hầu" - bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vaccine và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Hiện nay, bệnh đang có diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 6/2020 đến nay bệnh bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong, phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vaccine bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!