Việc nhận nuôi động vật lẽ thường xuất phát từ tình cảm yêu thương của chúng ta dành cho chúng. Nhưng có phải cứ nhận nuôi động vật, nhất là động vật hoang dã có phải là hành động tốt, để bảo tồn hay bảo vệ chúng? Thật đáng buồn nếu hành động đó đang tiêp tay cho những hành vi buôn bán, kiếm lời từ động vật hoang dã.
Rất nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã vẫn diễn ra, đặc biệt việc gây nuôi thương mại động vật hoang dã đang có nhiều ý kiến: Liệu đây là hoạt động phát triển kinh tế, bảo tồn hay chỉ trá hình để thực hiện các hành vi vi phạm buôn bán động vật hoang dã.
Những con thiên nga này được đem về Hồ Thiền Quang từ năm 2018, với mục đích trưng bày, tạo cảnh quan cho môi trường đô thị. Đây là loài động vật ngoại lai quý hiếm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Được biết, chúng đến từ một cơ sở gây nuôi động vật hoang dã.
Hiện nay, rất nhiều loài khác cũng đang được gây nuôi như chim công, trĩ bảy màu, gà kỳ lân, vịt uyên ương… Trong môi trường nuôi nhốt, động vật hoang dã trở thành sản phẩm thương mại có giá trị. Giá bán mỗi cặp này từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu. Theo anh Giáp, chủ một trang trại nhân nuôi cho rằng: Hiện nay, ở Việt Nam diễn ra 2 hình thức chủ yếu nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại và không vì mục đích thương mại (nuôi để bảo tồn, nuôi để trưng bày, hay cứu hộ động vật hoang dã).
Song, với một số nhà bảo tồn, gây nuôi động vật hoang dã là vấn đề cần quan tâm. Thống kê của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, năm 2020, Việt Nam có đến 19.000 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã ở các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, theo một số tổ chức bảo tồn, việc gây nuôi này đang ngày càng khó kiểm soát. Có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã vào các cơ ở gây nuôi mang danh là bảo tồn, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh.
Nhập lậu và hợp pháp hóa là cách nhiều đối tượng buôn bán động vật hoang dã lớn sử dụng. Với giấy phép hợp lệ, các đối tượng buôn bán có thể ngang nhiên vân chuyển động vật hoang dã mà không sợ bị tịch thu và xử phạt.
Một khảo sát được trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV thực hiện trong 2 năm 2014-2015 cho thấy 26 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã (trong đó phần lớn là các cơ sở quy mô lớn) đều có dấu hiệu tham gia vào hoạt động "nhập lậu" ở mức độ khác nhau. Theo quy trình:
Động vật săn bắt từ tự nhiên: thông qua đối tượng buôn bán , hay cơ sở nuôi hợp pháp, bằng hình thức tái sử dụng giấy phép, hoặc mua lại giấy phép từ cơ sở hợp pháp khác và khai báo sinh sản thành động vật hợp pháp. Sau khi được cơ quan Kiểm lâm xác nhận bản kê lâm sản, sẽ được bán ra thị trường.
ENV cũng thống kê một số vụ, chủ nuôi động vật hoang dã trái phép đã bị cơ quan chức năng địa phương xử lý trong thời gian qua.
- 12/5/2020: Bị cáo Phạm Thị T, Quảng Nam bị tuyên phạt 5 năm tù giam, vì tội Vi phạm, nuôi nhốt nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm: Rắn hổ chúa, rùa đầu to, Kỳ đà Vân, rùa hộp trán vàng miền Trung.
- 28/12/2021: Bị cáo Hoàng Văn C, Lục Yên, Yên Bái bị tuyên phạt 550 triệu đồng cho hành vi vận chuyển trái phép 8 cá thể rắn hổ chúa.
- 11/1/2022: Tòa Án Nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 2 năm, 9 tháng tù cho bị cáo Trương Thanh P, cho hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 5 cá thể tê tê java.
Gây nuôi động vật hoang dã là hoạt động tự phát, bắt đầu từ những năm thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi người dân phát triển kinh tế nhờ nuôi động vật hoang dã, đặc biệt các hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Nhiều cơ sở, trang trại nuôi phát triển với số lượng lớn các loài động vật hoang dã. Nhưng gây, nuôi động vật hoang dã đòi hỏi rất nhiều điều kiện về vị trí, môi trường, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chăm sóc. Và với động vật hoang dã, liệu chúng ta có lường trước được những rủi ro? Rất nhiều cơ sở hiện không đáp ứng được, hoặc chưa đủ các điều kiện cần thiết để đóng góp vào công tác bảo tồn.
Ông Nguyễn Mậu Chiến, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa có trang tại nuôi hổ. Năm 2007, ông Chiến đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính, phạt tiền 30 triệu đồng, do vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Năm 2012, trang trại này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa chứng nhận có đủ điều kiện gây nuôi sinh sản,sinh trưởng. Nhưng Giấy phép chỉ đến hết 2017.
Hiện tại, khẩu phần ăn của hổ được cho là không đảm bảo. Bên cạnh đó, chuồng trại cũng không đáp ứng đủ các yêu cầu về quản lý. Chưa nói đến, năm 2017, ông Chiến tiếp tục bị Tòa án nhân dân quận Hà Đông, Hà Nội tuyên phạt về tội "tàng trữ, vận chuyển hàng cấm", trong đó có sừng tê giác và 2 con hổ con đông lạnh. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà bảo tồn lo ngại về công tác quản lý động vật hoang dã hiện nay.
Được biết mỗi năm có hàng ngàn cá thể động vật hoang dã bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Nuôi thương mại động vật hoang dã đã góp phần phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Các quy định pháp luật bảo vệ và gây nuôi đang tiếp tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, có lẽ vẫn chưa đủ để quản lý một cách chặt chẽ và giám sát được các cơ sở gây nuôi, cùng các quy định pháp lý từ yếu tố ban đầu cấp phép, quá trình hoạt động, và xử lý các vi phạm để bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp. Có như vậy mới không có chỗ cho những cơ sở núp bóng bảo tồn để tiêu thụ động vật hoang dã.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!