"Sáng tạo không phải làm cái gì hoàn toàn mới, mà là làm việc cũ theo cách nhanh hơn và sáng tạo hơn", đó là quan điểm của một bạn trẻ có tên là Ngô Thu Huyền. Sẵn sàng từ bỏ công việc ở thành phố, Huyền quyết định về quê lập nghiệp với nghề làm giấy dó. Đặc biệt, Huyền lựa chọn cách làm thủ công. Không quá nhiều người ủng hộ với quyết định này, nhưng Huyền vẫn cố gắng sáng tạo hơn trong công việc mình lựa chọn.
Trân trọng vẻ đẹp mỏng manh nhưng bền bỉ của giấy dó, Thu Huyền (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã quyết định bỏ công việc đang làm để trở về quê học nghề làm giấy. Nỗi trăn trở giữ nghề truyền thống cứ âm ỉ trong suy nghĩ của cô gái trẻ.
Biết làm sao khi ngôi làng xưa kia được ví là "Thủ phủ của giấy dó", nay cũng chỉ còn 4 - 5 gia đình còn làm.
Việc làm giấy thủ công kéo dài hàng tháng, tùy điều kiện nắng mưa. Tự tay thực hiện cả quá trình làm giấy, cô gái trẻ đã mạnh dạn hơn trong việc sáng tạo nghề truyền thống.
Nỗi trăn trở giữ nghề truyền thống cứ âm ỉ trong suy nghĩ của cô gái trẻ.
Với những giá trị sử dụng khác nhau, tờ giấy dó khi ra khỏi xưởng lại có thêm cuộc đời mới. Giấy sẽ được vẽ, viết, in ấn, làm sổ, trang trí.
Giấy dó có vẻ ngoài bình dị, nó không hề bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên, nhưng với Huyền nó là cả bầu trời tuổi thơ, là những ước mong có thể giữ nghề truyền thống của cô gái trẻ.
Để sản xuất ra giấy dó, người làm nghề phải thật sự có tâm với nghề, phải thật am hiểu về quy trình sản xuất giấy, cần tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết nhỏ, vì chỉ cần sai sót một bước là không thể sản xuất ra loại giấy xốp nhẹ, dẻo dai, tuổi thọ cao, ứng dụng rộng này được.
Có thể thấy, những cô gái như Huyền từ bỏ công việc thành phố về quê hương để làm nghề truyền thống và sáng tạo trên nghề của quê hương là điều không hề đơn giản. Có những người ra thành phố và cũng cần có những người trở về quê hương để lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của ông cha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!