Confession - Tâm sự ẩn danh hóa bạo lực mạng

VTV Digital-Thứ năm, ngày 11/05/2023 21:01 GMT+7

VTV.vn - Mạng xã hội là ảo, nhưng đã có những hậu quả thật đến với những nạn nhân của những confession xấu độc.

Confession trên các trang mạng xã hội là nơi nhiều người thổ lộ tâm tư, chia sẻ cảm xúc, khi muốn giấu mặt, như một cách tâm sự cùng người lạ. Tuy vậy, confession lại đang biến tướng khi trở thành nơi để công kích cá nhân trên mạng như một ổ bắt nạt trực tuyến.

Là sinh viên năm 3 của một trường đại học tại Hà Nội, cô gái có thói quen theo dõi thông tin về trường mình trên các trang mạng xã hội. Bất ngờ, trong một lần lướt confession của trường đang theo học, cô bắt gặp chính mình trở thành nhân vật chính trong một bài viết.

"Họ đã dùng những lời lẽ rất miệt thị, nói về cách ăn mặc của mình là lố lăng, phản cảm, nói là mình sử dụng cách đó để câu dẫn các bạn nam. Đó là một confession không tốt, khiến mình suy sụp mất một thời gian", nữ sinh viên chia sẻ.

Đáng buồn, câu chuyện của cô gái này không phải là duy nhất. Trên nhiều những confession mang tên các trường học cũng diễn ra những tình trạng tương tự. Những lời tâm sự từ không gian ảo, bởi những người giấu mặt, nhưng đã mang đến hậu quả thật.

Confession - Tâm sự ẩn danh hóa bạo lực mạng - Ảnh 1.

Confession đang biến tướng khi trở thành nơi để công kích cá nhân trên mạng như một ổ bắt nạt trực tuyến.

Từng có mong muốn hòa đồng, chia sẻ với mọi người qua những tâm sự trên mạng xã hội nhưng chính những confession lại kéo một chàng trai xuống.

"Khi mình tham gia những chương trình sinh viên, mình chỉ hướng đến chia sẻ kinh nghiệm đại học và tài liệu cho các em. Thời điểm năm 2020 thì confession đầu tiên lên. Có gì đó tác động cực mạnh đến tâm lý của mình. Giờ mình còn mắc thêm một bệnh là trầm cảm lo âu. Mình đã từng đi chữa rồi nhưng điều đó thực sự không ổn", nam thanh niên cho biết.

Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội đã vô tình trở thành bạo lực tâm lý ngầm đối với những nạn nhân của các confession độc hại.

"Nếu đó là nơi la mắng, dùng lời bình luận để tổn thương người khác thì chắc chắn là bạo lực. Nếu xảy ra ở trường học thì đó là bạo lực học đường", TS. Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý ở trẻ em và vị thành niên, nhận định.

Tuy nhiên, phần lớn những trang này là do các cá nhân tự quản lý chứ không thông qua các đơn vị giáo dục, đào tạo.

"Tất cả confession của các trường cần được giao cho đầu mối là phòng chính trị công tác sinh viên để quản lý. Nếu nội dung đó quản lý không tốt thì có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông cho chính nhà trường", PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại Học Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm.

Xây dựng một không gian mạng lành mạnh trong chính nhà trường cũng là cách mang đến một môi trường học tập, giáo dục thân thiện, nhân văn. Mỗi chúng ta cần chung tay báo cáo khi thấy các nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.

Hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý hình sự hay không? Hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý hình sự hay không?

VTV.vn - Mỗi năm, trung bình có 1.600 vụ học sinh đánh nhau cả trong và ngoài trường. Độ tuổi có hành vi bạo lực học đường phổ biến từ 12-17 tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước