Bị đánh bằng cánh tủ, vợt cầu lông, đấm, đá là những hành vi bạo lực mà nữ sinh viên này phải trải qua. Đáng nói là người gây bạo lực chính là lớp trưởng. Tuy nhiên, giáo viên hầu như không can thiệp. Bố mẹ không có phản ứng gì. Hậu quả là bạn trầm cảm, rối loạn lo âu.
Cuộc gặp gỡ giữa phóng viên VTV với một bạn học sinh đã chịu bạo lực học đường trong 4 năm cấp 2 đã cho thấy những góc khuất trong vấn nạn này.
Một thống kê cho thấy, mỗi năm trung bình có 1.600 vụ học sinh đánh nhau cả trong và ngoài trường học. Độ tuổi có hành vi bạo lực học đường phổ biến là 12-17 tuổi.
Sau vụ việc 1 nữ sinh trường chuyên có tiếng ở Vinh, Nghệ An tự tử nghi vì bị bạn bạo lực học đường, nhiều người đang tự hỏi đến học sinh trường chuyên, học sinh học giỏi, có hiểu biết, thầy cô quan tâm đến học sinh mà còn xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy thì bạo lực học đường đang phổ biến như thế nào?
Qua cuộc phỏng vấn ngắn của phóng viên VTV với những sinh viên đại học, những người đã đủ 18 tuổi, ý thức được thế nào là bạo lực học đường, thế nào là chỉ trêu đùa, trêu chọc bạn bè, đa số đều cho biết trong thời phổ thông đã từng chứng kiến những vụ bạo lực học đường trong lớp mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!