Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 2): Lối thoát nào cho các nạn nhân?

Minh Toàn – Phạm Thứ-Thứ ba, ngày 25/04/2023 06:15 GMT+7

VTV.vn - Bạo lực học đường là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của nạn nhân.

Hệ lụy nghiêm trọng

Khi nhắc tới bạo lực học đường, ta có thể nghĩ ngay đến một số kiểu như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, quấy rối hoặc xâm hại tình dục, bạo lực qua mạng internet. Chúng có thể được thực hiện giữa học sinh với học sinh hoặc giáo viên với học sinh. Với bạo lực thể chất, đó là đấm, đá, giật tóc... các hành vi có tính gây tổn thương đến cơ thể vật lý, là kiểu bạo lực mà thường ta dễ quan sát hơn về hệ quả với một số biểu hiện như các vết thương, vết bầm tím, những tổn thương thực thể...

Bạo lực tinh thần là những hành vi dù không chạm tay vào đối phương nhưng vẫn khiến đối phương chịu thương tổn. Nó có khi rầm rộ nhưng cũng có thể sẽ diễn ra âm ỉ khiến người bên ngoài khó nhận ra. Bất kỳ loại hình bạo lực nào cũng để lại những ảnh hưởng to lớn về cả thể chất lẫn tinh thần của cá nhân.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 2): Lối thoát nào cho các nạn nhân? - Ảnh 1.

Những học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường một cách hệ thống, thường xuyên, thường có "quyền lực ngầm" trong trường, đi kèm với nhãn quan không đúng về ứng xử với người khác. (Ảnh minh hoạ).

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Đức Anh cho biết, việc phải đối mặt với các trải nghiệm bạo lực có thể khiến nhận thức của nạn nhân về bản thân và môi trường xung quanh trở nên tiêu cực hơn. Khi trải qua tình huống bạo lực chúng ta trở nên cảnh giác hơn, trường học trở thành nơi ẩn chứa nguy cơ đáng sợ và từ đó công tắc của sự lo âu, sợ hãi khi nhắc đến trường học được bật lên. Thay vì mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giờ đây những nạn nhân của bạo lực học đường đến trường trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Và cũng từ đó các hành vi kém thích nghi có thể xuất hiện như là né tránh đến trường, rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội, trở nên dè dặt hơn.

Các loại bạo lực đều có thể khiến nạn nhân bị suy giảm hình ảnh bản thân, ảnh hưởng đến sự tự tin và lòng tự trọng. Khi nạn nhân bị bắt nạt, một số niềm tin sai lệch có thể hình thành như "Mình không đáng được yêu thương; mình không xứng đáng được bảo vệ; mình kém cỏi, tồi tệ; học giỏi là cái tội, …". Và chúng là màng lọc để nạn nhân diễn giải các sự kiện tương lai theo chiều hướng tiêu cực. Chúng có thể làm nảy sinh các vấn đề về mối quan hệ trong tương lai, ngăn cản, hạn chế sự phát triển tối đa tiềm năng của nạn nhân.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 2): Lối thoát nào cho các nạn nhân? - Ảnh 2.

Theo ThS Đức Anh, nạn nhân của bạo lực học đường có thể là bất kì ai, vì hành vi sai trái xuất phát từ những người sử dụng bạo lực (Ảnh NVCC).

ThS Đặng Đức Anh cho biết: "Về cảm xúc, nạn nhân có thể xuất hiện nhiều cảm xúc âm tính như sợ hãi, muộn phiền, căng thẳng, uất ức, thất vọng, xấu hổ, tủi nhục… Ngay khi xuất hiện, chúng đã ảnh hưởng đến sự tập trung, chú ý, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các hoạt động học tập và sinh hoạt thường ngày của các nạn nhân. Chúng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như chất lượng ăn uống, giấc ngủ, và tạo điều kiện để phát triển các bệnh thực thể như vấn đề về dạ dày, tim mạch…".

Các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, PTSD (Rối loạn căng thẳng sau chấn thương Post-traumatic stress disorder)... có thể xuất hiện và ngày càng nghiêm trọng nếu nạn nhân không được hỗ trợ và bảo vệ kịp thời. Nhiều nạn nhân sử dụng hành vi tự hại hoặc lạm dụng chất kích thích như một cách để giúp cân bằng lại cảm xúc của mình. Cũng có nhiều người vùng vẫy trong các vấn đề bạo lực mà mãi không thể tìm ra cách giải quyết hiệu quả, họ dần tuyệt vọng và tìm đến tự sát như một cách thức để giải thoát bản thân.

"Người đi bắt nạt" có thể cũng từng là "nạn nhân"

ThS Đức Anh cũng cho biết thêm, các hành vi bạo lực chủ động có thể là hệ quả của việc quan sát và trải nghiệm… từ những tổn thương trong quá khứ, từ môi trường sống, sinh hoạt, điều kiện giáo dục được lặp đi lặp lại. Chỉ nhận thức được về lợi ích song có thể lại không biết/quan tâm rằng nó lại là hành vi lệch chuẩn không được chấp nhận trong xã hội, gây thương tổn đến người khác, và có các hệ lụy lâu dài. Việc lặp đi lặp lại thành thói quen và kết quả đáp ứng nhu cầu của họ càng củng cố nhận thức sai lệch rằng đây là việc nên làm.

Một người từng trải qua bạo lực, bỏ bê, là nạn nhân trong quá khứ cũng có thể sẽ mang theo những phẫn uất, căm hận của mình đến với thực tại. Những người này thường không có khả năng để phản kháng lại người trực tiếp hành hạ mình nên lựa chọn cách trút lên những người thiếu khả năng chống trả để xả đi những phẫn nộ mình đang mang.

"Học tập về hành vi không phải là yếu tố duy nhất hình thành nên các hoạt động bạo lực. Nếu một người được giáo dục cẩn thận về những giá trị sống, về đạo đức và các cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả, giúp đáp ứng nhu cầu mình mong muốn mà không phải sử dụng đến bạo lực thì kể cả có sinh ra với xung quanh là những mô thức bạo lực thì cũng chưa chắc đã trở thành kẻ bắt nạt…" – ThS Đức Anh cho biết thêm.

Ngược lại, một người đã chịu tổn thương lại được dạy với những quan điểm sống sai lệch như hãy ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, phải được người khác nể sợ, phải đạt mục đích bất chấp đạo đức… thì họ sẽ càng có xu hướng phát triển hành vi bạo lực.

Hiểu tâm lý nạn nhân để gỡ nút thắt

Khi gặp vấn đề về bạo lực, bản thân những nạn nhân cũng đều có khả năng nghĩ ngay đến việc tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều em bị đe dọa rằng nếu báo cho ai đó các em sẽ tiếp tục bị bắt nạt.

ThS Đức Anh cho biết, khi bị bạo lực, bản thân các em đã sợ rồi, đã cảnh giác thì các em sẽ cẩn trọng sẽ cân đo đong đếm hơn rất nhiều với các lựa chọn của mình. Các nỗi băn khoăn có thể xuất hiện như: Nhờ bố mẹ rồi bố mẹ sẽ làm được gì? Sau khi bố mẹ tìm cách giải quyết liệu mình và gia đình có thể gặp hệ lụy nào nghiêm trọng hơn hay không? Báo với cô giáo và nhà trường liệu có ai tin hay nghe mình hoặc giải quyết triệt để cho mình không?

Trên thực tế có nhiều vụ liên quan đến báo cáo tình huống bạo lực nhưng không được giải quyết trước đó từ báo chí, phim ảnh... nên những nỗi lo ấy của ác em là có cơ sở. Vậy báo với ai và hỏi ý kiến ai là?

ThS Đức Anh cho biết: "Ban đầu mình vẫn khuyến khích các nạn nhân nên tìm đến sự trợ giúp từ cha mẹ, giáo viên, nhưng nếu lo sợ về các nguy cơ, mình khuyến khích tìm sự trợ giúp từ tổng đài 111, Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ người thực hiện hành vi bạo hành em để được tư vấn về các tình huống bạo hành…". Cơ quan có thẩm quyền này có năng lực pháp lý và cung cấp những hiểu biết pháp luật đã có thể có kế hoạch đảm bảo an toàn cho các nạn nhân. Song song với đó, những nạn nhân có thể tìm đến các nhà tâm lý học đường, các nhà tâm lý sẽ lắng nghe, thảo luận và hỗ trợ cụ thể trong từng trường hợp.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Để giải quyết vấn nạn bạo hành học đường, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên liên quan: gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính quyền.

Theo TS Nguyễn Thành Tô, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng - RTCCD cho rằng, cần tăng cường vai trò của gia đình trong việc quan tâm, giáo dục và gắn kết với con cái. Gia đình cần tạo ra môi trường ấm áp, yêu thương, khen ngợi và động viên con cái, giúp các em phát triển tự trọng và kỹ năng xã hội. Gia đình cũng cần phát hiện và can thiệp kịp thời khi thấy con có dấu hiệu bị bạo lực hoặc có hành vi bạo lực với người khác.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 2): Lối thoát nào cho các nạn nhân? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Nguyễn Thành Tô cho biết cần có một cái nhìn sâu hơn trong việc nhìn nhận vấn đề tự tử và bạo lực học đường ở thanh thiếu niên Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý của nhà trường. Nhà trường cần xây dựng chính sách và biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực học đường, bao gồm: đào tạo và hướng dẫn giáo viên nhận biết và xử lý các vụ việc; tổ chức hoạt động giáo dục và trải nghiệm cho học sinh về kỹ năng sống, giá trị và đạo đức; tăng cường giám sát, kiểm tra và phản hồi từ phụ huynh, học sinh và cộng đồng; thực hiện các biện pháp khen thưởng, kỷ luật và hỗ trợ tâm lý cho các em theo từng trường hợp.

Phát huy vai trò của cộng đồng và chính quyền trong việc giáo dục, hỗ trợ và giám sát các gia đình, nhà trường. Cộng đồng có thể tổ chức các hoạt động, chương trình, dự án giáo dục và hỗ trợ cho trẻ em, gia đình và nhà trường, như: tư vấn, huấn luyện, thi đua, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp tài liệu, thiết bị, nguồn lực. Chính quyền có thể ban hành các chủ trương, quy định, hỗ trợ và kiểm tra việc thực hiện của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan.

Nghiên cứu và áp dụng các mô hình, phương pháp, kinh nghiệm tốt từ trong và ngoài nước. Việt Nam có thể học tập và hợp tác với các nước, tổ chức, chuyên gia có thành tích và uy tín trong lĩnh vực giáo dục, trẻ em, xã hội, pháp luật, tâm lý, văn hóa. Việt Nam cũng có thể cải tiến, sáng tạo và phát triển các giải pháp phù hợp với điều kiện và nhu cầu của đất nước, vùng, địa phương, cộng đồng và cá nhân.

Tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về vấn nạn bạo hành học đường. Cần tăng cường các chương trình, chiến dịch, hoạt động tuyên truyền và giáo dục nhân dân về ý thức, trách nhiệm và kỹ năng đối phó với bạo hành học đường. Cần khuyến khích sự tham gia, đóng góp ý kiến, tài liệu, kinh nghiệm, câu chuyện từ các cơ quan, tổ chức, nhà báo, nghệ sĩ, trí thức, thanh niên, phụ huynh, học sinh và người dân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân bạo hành học đường được bảo vệ, hỗ trợ và tái hòa nhập xã hội. Cần xây dựng và phát triển các dịch vụ, mạng lưới, cơ sở tư vấn, điều trị, hỗ trợ tài chính, học bổng, việc làm, hoạt động nghệ thuật, thể thao, du lịch, văn hóa cho các nạn nhân và gia đình. Cần khuyến khích sự đồng cảm, thông cảm, giúp đỡ và hợp tác của cộng đồng và người dân đối với các nạn nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước