Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 1): Một cái nhìn sâu hơn

Minh Toàn - Phạm Thứ-Thứ ba, ngày 25/04/2023 06:10 GMT+7

VTV.vn - Vụ nữ sinh tại Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho nền giáo dục về một vấn nạn nhức nhối đang liên tục diễn ra trong những năm gần đây.

Bạo lực học đường tại Việt Nam: Vấn nạn đáng báo động

Bạo lực học đường là một vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến nền giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của học sinh. Bạo lực học đường có thể bao gồm các hình thức như: bạo lực thể chất (đánh đập, xô xát, cướp bóc,...), bạo lực tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, khinh miệt, cô lập,...), bạo lực tình dục (sàm sỡ, quấy rối, xâm hại,...), bạo lực trên mạng xã hội (đăng tải thông tin sai sự thật, phỉ báng, uy hiếp,...).

Mới đây, dư luận đang bày tỏ sự thương tiếc đối với vụ việc nữ sinh lớp 10 tại Trường THPT Chuyên - Trường Đại học Vinh, Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực đường.

Nguyên nhân chính xác của vụ việc hiện vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng nữ sinh bị bạn đánh, ngược đãi, áp đảo tâm lý, xin chuyển trường nhưng chưa được thì xảy ra sự việc đau lòng. Theo thông tin từ gia đình cung cấp, nữ sinh khóa trái cửa và tự tử vào ngày 16/4.

Tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam không phải là tình trạng hiếm khi diễn ra. Nếu theo dõi tin tức báo chí, không khó để chúng ta bắt gặp những vụ việc này.

Ngày 10/10/2022, do mâu thuẫn tình cảm, một nam sinh viên Đại học Tài nguyên & Môi trường bị nhóm nam sinh khác cùng trường liên tiếp dùng tay, chân và ghế đánh đập. Nam sinh bị hành hung sau đó đã ngất đi. Vụ việc sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và khiến dư luận rất bất bình. Một ngày sau đó, dư luận lại được một phen hú hồn khác trước thông tin một nam sinh lớp 11 đâm chết bạn cùng trường lớp 12 do bị chặn đánh hội đồng sau giờ tan học.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 1): Một cái nhìn sâu hơn - Ảnh 1.

Nam sinh Đại học Tài nguyên Môi trường bị đánh gục do mâu thuẫn tình cảm (Ảnh cắt từ clip).

Cuối năm 2022, dư luận dậy sóng một lần nữa trước vụ việc nữ sinh lớp 9 tại Thanh Hóa bị bạn đánh dã man, sau đó kéo xuống ruộng rồi nhấn xuống bùn, dùng chân đạp liên tiếp vào mặt. Rất nhiều người đã đứng xem nhưng tỏ thái độ thờ ơ, không can ngăn, quay và phát tán clip lên mạng xã hội.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 1): Một cái nhìn sâu hơn - Ảnh 2.

Nữ sinh lớp 9 tại Thanh Hóa bị bạn nhấn đạp xuống bùn (Ảnh cắt từ clip).

Đó là ba trong số rất nhiều các vụ bạo lực học đường diễn ra trong năm 2022. Số liệu mới nhất của Bộ GD&ĐT cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.

Bạo lực học đường không chỉ diễn ra trong phạm vi đối tượng là học sinh mà với cả những người làm giáo dục. Mới đây, tại Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc (Quảng Bình), Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn đã đánh ông Lê Đức Huấn là Phó hiệu trưởng, nguyên nhân sâu xa chỉ vì chuyện đóng mở cổng trường.

Một nghiên cứu khoa học do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn (2019) thực hiện đã chỉ ra rằng, phần lớn hành vi bạo lực học đường diễn ra giữa các học sinh cùng lớp hoặc cùng trường. Các hành vi bạo lực thường bao gồm bắt nạt (41,3%), đánh nhau (33,4%), đe dọa (20,2%) và quấy rối tình dục (5,1%). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn trong việc thực hiện các hành vi bạo lực.

Đáng chú ý là sự gia tăng của bạo lực trên mạng (cyberbullying) trong các năm gần đây. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục (2020) cho thấy tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020.

Sự gia tăng của bạo lực học đường dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với nền giáo dục và tâm lý học sinh. Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên tăng cao. Nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội (2021) cho thấy tỷ lệ tự tử ở tuổi 15-19 tăng từ 1,8% vào năm 2015 lên 2,5% vào năm 2021.

Nạn nhân của bạo lực học đường cũng gặp phải rất nhiều tổn hại về nhiều sức khỏe và sự phát triển. Các nạn nhân có thể mắc phải các vấn đề về sức khỏe thể chất (vết thương, đau nhức, mất ngủ,...), sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu, cảm giác cô đơn, vô vọng,...), học tập (giảm điểm số, mất quan tâm, trốn học,...), xã hội (rút lui, mất lòng tin, khó kết bạn,...). Một số nạn nhân có thể cố gắng chịu đựng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, nhưng một số khác có thể không biết cách xử lý hoặc không có ai để tin cậy. Đó là khi họ có thể nghĩ đến việc tự tử để thoát khỏi nỗi ám ảnh và đau khổ.

Nguyên nhân chưa thể ngăn chặn bạo lực học đường

Liên quan tới những sự việc về bạo lực học đường, TS Nguyễn Thành Tô, cựu kiểm sát viên Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc chưa thể ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường là do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, là sự thiếu sót trong công tác quản lý và giáo dục của nhà trường và gia đình. Nhiều trường học không có kế hoạch phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường hiệu quả, không có cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng và cộng đồng trong việc giải quyết các vụ việc. Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý không có kỹ năng nhận biết và can thiệp kịp thời vào các hành vi bạo lực của học sinh. Nhiều gia đình không quan tâm đến hoạt động học tập và sinh hoạt của con em mình, không giáo dục cho con em những giá trị đạo đức và kỹ năng sống cần thiết để ứng xử trong xã hội.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 1): Một cái nhìn sâu hơn - Ảnh 3.

TS Nguyễn Thành Tô cho phân tích rõ ràng các quy định pháp luật trong việc ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường (Ảnh: NVCC).

Thứ hai, là sự ảnh hưởng tiêu cực của môi trường xã hội và truyền thông. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội có vai trò rất lớn trong việc truyền tải thông tin và kiến thức cho người dùng. Tuy nhiên, không ít thông tin và nội dung trên các kênh truyền thông là sai lệch, thiếu chính xác, gây kích động và bôi nhọ. Nhiều học sinh, sinh viên tiếp nhận những thông tin này một cách bị động và thiếu phản biện, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực về tư duy và hành vi. Họ có thể bắt chước những hành vi bạo lực mà họ thấy trên phim ảnh, game online hay video clip trên mạng xã hội.

Thứ ba, là sự thiếu chín chắn về nhận thức và tâm lý của các em học sinh, sinh viên. Đây là giai đoạn mà các em đang trong quá trình phát triển về thể chất và tinh thần, dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài. Nhiều em có xu hướng ham muốn được thể hiện, chứng tỏ bản thân, không biết cách kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Điều này có thể dẫn đến việc các em tham gia vào những hành vi bạo lực, xung đột và tranh chấp vô ích. Các em cũng có thể chịu ảnh hưởng từ bạn bè và môi trường xung quanh, dẫn đến việc học tập những hành vi tiêu cực.

Theo TS Tô, pháp luật Việt Nam đã có các quy định rõ ràng nhằm ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường. Luật Giáo dục 2019 quy định rằng các cơ sở giáo dục phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự và môi trường giáo dục lành mạnh. Bạo lực học đường, trong đó bao gồm cả bắt nạt, đe dọa và các hành vi bạo lực khác, được xem là vi phạm nghiêm trọng đối với các quy định này. Việc xử lý các vụ việc bạo lực học đường cũng được quy định trong Luật Giáo dục và Luật Thiếu nhi.

Theo đó, người học có quyền được sống trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bị bạo lực, xâm hại thân thể, sức khỏe, tinh thần hoặc bị cô lập, xua đuổi (Điều 9 Luật Giáo dục và Điều 16 Luật Thiếu nhi). Người học có trách nhiệm không gây ra hoặc tham gia vào các hành vi bạo lực học đường (Điều 10 Luật Giáo dục và Điều 17 Luật Thiếu nhi). Cơ sở giáo dục có trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập (Điều 12 Luật Giáo dục và Điều 18 Luật Thiếu nhi).

Các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có tuổi từ 14 trở lên gây ra các hành vi như: cố ý gây thương tích; cướp tài sản; hiếp dâm; cưỡng dâm; cưỡng hiếp; xâm phạm tình dục; gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ; gây mất an toàn giao thông; tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy...đối với người học trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo mức án tương ứng (Điều 12 Nghị định 80/2017/NĐ-CP).

Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường cũng sẽ bị kỷ luật theo quy định của nhà trường và bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật. Theo đó, người học gây ra hoặc tham gia vào các hành vi bạo lực học đường sẽ bị kỷ luật từ khiển trách cho đến buộc thôi học tùy theo tính chất và mức độ của vi phạm (Điều 13 Nghị định 80/201 7/NĐ-CP). Nếu hành vi của người học cực kỳ nghiêm trọng, nhà trường có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự.

Để đảm bảo an toàn cho người học và ngăn chặn bạo lực học đường, cơ quan chức năng, đặc biệt là cảnh sát, có quyền can thiệp và yêu cầu người gây hấn dừng lại ngay lập tức. Nếu người gây hấn không tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng, họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật (Điều 14 Nghị định 80/2017/NĐ-CP).

Để nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực học đường và động viên các tổ chức và cá nhân tham gia phòng chống bạo lực học đường, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thường tổ chức các chương trình giáo dục, tuyên truyền, hoạt động xã hội hóa nhằm nâng cao ý thức của người dân và giúp tạo ra môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.

Giáo dục đạo đức phải được chú trọng hơn

Chia sẻ với PV, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, chương trình giáo dục, đào tạo hiện nay đang có phần xem nhẹ việc giáo dục đạo đức của học sinh, sinh viên. Các chương trình giảng dạy đang tập trung nhiều vào giáo dục kĩ năng, tri thức cuộc sống, còn giáo dục nhân sinh, giáo dục đạo đức, ứng xử giữa người với người thì chưa được xem trọng.

Báo động tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam (kỳ 1): Một cái nhìn sâu hơn - Ảnh 4.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề cao giáo dục đạo đức lên hàng đầu trong việc giảng dạy (Ảnh: Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

"So với thời phong kiến, giáo dục tập trung quan tâm tới đạo đức của con người theo kinh điển của Nho giáo bao gồm: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; Công, dung, ngôn, hạnh; Tam cương ngũ thường; Tam tòng tứ đức;... Trước đây, rất nhiều người phê phán điều này. Họ cho rằng chỉ tập trung giáo dục đạo đức mà không chú ý phát triển khoa học kĩ thuật. Khi đổi mới giáo dục, rất nhiều những cải cách hướng nhiều giáo dục đào tạo vào giáo dục trí thức, kĩ năng. Trong chương trình giáo dục hiện nay tôi tìm hiểu, từ phổ thông tới đại học, những môn liên quan tới đạo đức công dân, giáo dục nhân cách, giáo dục lý tưởng, nhận thức rất ít. Ở THCS, THPT chỉ có môn Giáo dục công dân nhưng thời lượng không nhiều ", PGS.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ.

Ông cho rằng chương trình giáo dục đào tạo hiện tại không có sự cân bằng giữa tri thức và đạo đức. Dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, vấn đề đạo đức cũng cần được đặt lên hàng đầu.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định: "Thời hiện tại, những tri thức, kỹ năng phục vụ cho cuộc sống chúng ta có thể học ở bất kỳ đâu, những tri thức đó cũng rất dễ dàng để tìm kiếm. Bây giờ có quá nhiều các phương tiện, từ sách, báo, Google và thậm chí sắp tới là cả Chat GPT. Nhưng vấn đề đạo đức không được rèn luyện từ nhỏ sẽ rất dễ lầm lạc và mắc khuyết điểm. Nếu mỗi người được rèn luyện tốt vấn đề đạo đức, có một triết lý sống lành mạnh thì sẽ có cách ứng xử hòa nhã với gia đình, thầy cô, bạn bè,...; sẽ vững vàng trong mọi tình huống không như ý muốn.

Trước đây còn có chuyên gia đòi bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ - Hậu học văn’. Tôi cho rằng đây là quan niệm rất lệch lạc. Người học sinh cần phải phát triển cân đối hơn cả về đạo đức lẫn tri thức nếu muốn giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Học tri thức chúng ta phải học cả đời cơ mà, nhưng đạo đức thì phải rèn luyện ngay lập tức, ngay từ những lớp học vỡ lòng. Không phải tôi đề cao đạo đức thái quá như thời phong kiến nhưng nó phải là thứ đặt lên hàng đầu. Các chương trình giáo dục, đào tạo nên có ít nhất 30-40% thời lượng giảng dạy về đạo đức cho học sinh, sinh viên. Khi đi giảng dạy tại các trường đại học, cả những lớp thạc sĩ, tiến sĩ tôi cũng luôn đề cao đạo đức đối với người học".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước