Ngày 14/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố thống kê giao dịch qua ngân hàng, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp tiền hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất. Hành động này đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, bởi đây không chỉ là lần đầu tiên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê, mà còn vì hành động này đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động thiện nguyện ở nước ta.
Theo lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc công bố thông tin để đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn lợi ích cá nhân. Thực tế, việc công bố sao kê đã đạt được mục tiêu này, cho dù những thông tin được công khai đã tạo nên nhiều câu chuyện vui buồn.
Một tiktoker chuyển khoản 1 triệu đồng tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào vùng lũ nhưng lại công bố ảnh chụp màn hình giao dịch được photoshop lên đến hàng chục triệu đồng
"Có người dân đóng góp nhiều, có người đóng góp ít nhưng việc đó không quan trọng. Quan trọng là cách đưa tin và ghi nhận những đóng góp ra sao, thông qua hình thức nào. Dù đóng góp nhiều hay ít, họ đều cảm thấy tự hào vì đã đóng góp phần của mình. Họ hiểu rằng, dù đóng góp ít nhưng đó là tinh thần hỗ trợ lẫn nhau của người dân trong cùng một đất nước", ông Nguyễn Vĩnh Hòa, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ.
Có những khoản tiền chỉ 20.000 đồng nhưng lại khiến nhiều người xúc động bởi những lời nhắn nhủ chân tình
Theo ông Nguyễn Vĩnh Hòa, trong nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động quyên góp được nhiều khoản hỗ trợ. Trong quá trình làm việc, rất nhiều các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm cam kết và mong muốn hỗ trợ một khoản kinh phí hoặc một số lượng hàng nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có thể tiếp nhận ít hơn, thậm chí là nhiều hơn so với cam kết.
Ông Nguyễn Vĩnh Hòa, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ các vấn đề về hoạt đông quyên góp từ thiện
Để chấn chỉnh những lùm xùm xung quanh hoạt động thiện nguyện, cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 vào tháng 10/2021. Theo đó, các tổ chức vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, các nội dung cần phải công khai bao gồm: Văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp, kết quả vận động bao gồm tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đối tượng chính sách, mức hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Các nội dung công khai xung quanh việc vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
Về hình thức công khai, có ba hình thức chính. Thứ nhất, công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị đóng góp. Thứ hai, niêm yết tại trụ sở làm việc của đơn vị đóng góp. Thứ ba, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan, tham gia vào quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp. Ngoài ra, Nghị định còn quy định rất rõ về thời điểm công khai các thông tin này.
Các hình thức công khai việc vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
"Việc công khai sao kê chỉ là giai đoạn đầu của quy trình từ thiện. Khi nhà nước tiếp nhận và công khai các khoản hỗ trợ, vấn đề minh bạch không chỉ dừng lại đó mà còn liên quan đến việc các khoản hỗ trợ đó đi đến đâu, dành cho những đối tượng nào và số tiền quyên góp được sử dụng làm mục đích gì. Hiện tại, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một thành viên của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, gồm 191 thành viên với quy chuẩn trong hoạt động, đặc biệt là việc cấp phát, hỗ trợ tiền mặt trong tình huống khẩn cấp bắt đầu từ việc đánh giá nhu cầu và thiệt hại sau khi thiên tai, thảm họa xảy ra. Sau đó, Hội sẽ tổ chức tập huấn cho người tham gia tại cộng đồng để họ biết được quy trình cấp phát tiền mặt và đưa ra các tiêu chí lựa chọn những lượng hộ hưởng lợi phù hợp. Những tiêu chí này nhắm vào các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tiếp đó, Hội sẽ tổ chức các hoạt động cấp phát cho người dân một cách minh bạch. Sau khi cấp phát các khoản hỗ trợ, Hội sẽ đánh giá sự hài lòng của người dân và theo dõi suốt quá trình đó", ông Hòa cho biết thêm.
Cũng theo ông Hòa, trong thời gian qua, rất nhiều người đóng góp có mong muốn không được tiết lộ danh tính của họ, đó là quyền bảo mật thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều yêu cầu từ nhà tài trợ đơn lẻ, cá nhân, tổ chức không muốn tiết lộ danh tính. Để giải quyết vấn đề này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có phương án vận động trên nền tảng số và qua ứng dụng Thiện nguyện. Tại ứng dụng này, người dân khi muốn đóng góp có thể lựa chọn phương thức công khai danh tính của mình hay không. Nếu họ muốn công khai, họ chỉ cần chọn đồng ý.
Hoạt động từ thiện, quyên góp, ủng hộ những người gặp khó khăn trong xã hội là hành động đáng hoan nghênh ở bất kỳ một quốc gia nào và mỗi nước đều có những quy định riêng cho hoạt động này. Tuy nhiên, việc thiết lập quy định để quản lý, giám sát các hoạt động từ thiện một cách công khai, minh bạch đều được Chính phủ tất cả các nước chú trọng.
Chỉ số minh bạch viện trợ quốc tế năm 2024
Website của chính phủ Anh có giao diện đồ họa trực quan, dễ dàng tìm kiếm thông tin dự án theo vùng, lãnh thổ hoặc theo ngành cho phép
Tại Việt Nam, những ngày vừa qua, rất nhiều người dân ủng hộ việc phải minh bạch thu quỹ từ thiện, nhưng họ cũng đặt ra yêu cầu cần phải công khai minh bạch việc chi và sử dụng nguồn quỹ đó.
"Chúng ta phải có cơ chế và có sự tham gia của cộng đồng bao gồm các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và đặc biệt là những người trực tiếp hưởng lợi. Họ cần tham gia vào hoạt động giám sát, triển khai hỗ trợ để đảm bảo tất cả các cộng đồng tiếp cận đến các nguồn lực một cách hài hòa, hiệu quả nhất. Quốc tế đã xây dựng kho dữ liệu để người dân có thể tra cứu và giám sát rất dễ dàng. Tại Việt Nam, chúng ta cũng cần phải hướng tới xây dựng một bộ công cụ như vậy. Điều này thật sự rất cần thiết và quan trọng, không chỉ thực hiện được trong một sớm một chiều", ông Hòa bày tỏ.
Ông Hòa khẳng định, hiện tại, Việt Nam đã có khung pháp luật, quy định rất tốt. Nhà nước cần thực hiện và chuyển đổi chúng thành dạng số hóa tất cả các cái dữ liệu. Thứ hai, nhà nước phải có được kho dữ liệu về người dân, những cộng đồng dễ bị tổn thương, cũng như kho dữ liệu về nhu cầu của từng địa phương và đánh giá mức độ thiệt hại khi gặp thiên tai. Điều này giúp nhà nước đưa ra sự hỗ trợ phù hợp và hiệu quả.
Hiện tại, Việt Nam chưa có một hệ thống để quản lý dữ liệu từ các tổ chức. Tùy thuộc vào mức đầu tư và tính chuyên nghiệp của từng tổ chức, họ có thể có nền tảng số nhất định trong quản trị của mình. Tuy nhiên, để đồng bộ hóa được tất cả hệ thống này từ các cơ quan khác nhau, cần có thời gian và sự phối hợp chặt chẽ. Chính phủ phải điều phối quá trình này, bởi một cá nhân hay một tổ chức đơn lẻ không thể xây dựng hệ thống này được.
Thống kê cho thấy cơn bão số 3 vừa qua đã làm thiệt hại hơn 40 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền đóng góp của người dân cả nước hiện là hơn 1000 tỷ đồng. Mặc dù con số này khá lớn nhưng vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu nguồn lực để tái thiết cuộc sống sau thiên tai. Vì vậy, rất cần cộng đồng tiếp tục chung tay đồng hành, trong đó, minh bạch chính là nguyên tắc sống còn để tăng cường sự tin tưởng và thu hút thêm nhiều nhà hảo tâm tham gia vào các hoạt động từ thiện.
Bão Yagi là thảm họa thiên tai lớn đầu tiên sau Covid-19. Theo ông Hòa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn chưa thể biết sẽ phải đối mặt với thử thách nào. Vì vậy, mỗi bước tiến trong việc cải thiện tính minh bạch, hoạt động cứu trợ sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng đoàn kết và sẵn sàng đối mặt với những thiên tai trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!